MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lối thoát nào cho Argentina?

20-02-2014 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Cải cách sẽ buộc Argentina phải nhìn nhận lại thập kỷ lao dốc không phanh của mình. Và, hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là bước đầu tiên giúp Argentina có một tương lai tốt hơn.

Quá khứ đã mất 

Argentina đã trở nên giàu có bằng ba "canh bạc" lớn: nông nghiệp, mở cửa thị trường và nước Anh (vốn sau đó trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Argentina). Nếu thua cuộc, Argentina cần một sự điều chỉnh lớn. Điều này dẫn đến nguyên nhân thứ hai mà chúng ta vừa đề cập ở trên: chính sách thương mại. 

Chiến tranh thế giới thứ nhất là cú đánh đầu tiên vào hoạt động thương mại của Argentina và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư. Cuộc Đại suy thoái khiến hệ thống thương mại mà Argentina tham gia khá sâu sụp đổ, Argentina buộc phải nâng thuế nhập khẩu từ mức trung bình 16,7% năm 1930 lên 28,7% năm 1933. Còn trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 08, dòng vốn đầu tư nước ngoài bị rút ra ồ ạt và các ngân hàng Argentina đã phải rất vất vả để bù đắp lỗ hổng này.

Có thể nhận định rằng trong suốt thế kỷ 20, Argentina đã lạc điệu so với phần còn lại của thế giới. Argentina đang đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu khi hệ thống thương mại mở sụp đổ. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi các nước phát triển bắt đầu chậm chạp quay trở lại với thương mại tự do năm 1947, Argentina lại trở thành nền kinh tế không còn mở như trước. 

Chính sách tự cung tự cấp có gốc rễ khá sâu. Nhiều người cho rằng lợi ích của các nhà xuất khẩu thực phẩm không đi cùng với lợi ích của công nhân. Giá thực phẩm cao có nghĩa là nông dân thắng lớn nhưng người dân Argentina sẽ chết đói. Mở cửa biên giới giúp tăng lợi nhuận của nông dân nhưng khiến các doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh nhiều hơn. Thu nhập của 1% những người giàu nhất ở Argentina gắn liền với xuất khẩu nông sản và gia súc. 

Kể từ đó đến nay, Argentina cũng có những thời kỳ theo đuổi chính sách tự do hóa, nhưng không hoàn toàn như vậy. Theo Sergio Berensztein - một chuyên gia phân tích chính trị, 1/3 đất nước Argentina (các ngành hàng hóa, chế tạo và các ngành mang tính chất địa phương như sản xuất rượu và du lịch) đã sẵn sàng để cạnh tranh. Tuy nhiên, 2/3 còn lại không hề muốn phải cạnh tranh khốc liệt.

Nông dân và công nhân ngày càng bị chia rẽ. Thuế xuất khẩu nông sản cao cho phép nhà nước nâng dự trữ ngoại hối, hạn chế lượng lúa mì xuất khẩu tạo nên thặng dư và giúp hạ giá lúa mì trong nước. Tuy nhiên, các chính sách này cũng khiến người nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Kết quả là các nước khác đã đánh cắp thị phần của Argentina. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2006 Argentina là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 4 thế giới nhưng đã tụt xuống thứ 10 trong năm 2013. 

Một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa đã giải quyết khá tốt những căng thẳng này. Ví dụ, Australia có khá nhiều điểm tương đồng với Argentina thời kỳ đầu thế kỷ 20: xuất khẩu hàng hóa, có nhiều người nhập cư và không nằm gần các trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên, Australia đã có thể xây dựng một nền kinh tế hoạt động trên nhiều lĩnh vực hơn và tăng trưởng nhanh hơn. Từ năm 1929 đến 1975, thu nhập bình quân đầu người của Australia tăng trung bình 0,96% mỗi năm. Tỷ lệ của Argentina chỉ là 0,67%. 

Australia có một vài lợi thế lớn, ví dụ như giá khoáng sản không ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước như trường hợp giá thực phẩm. Tuy nhiên, Australia có thể chế để cân bằng các nhóm lợi ích trong khi Argentina không làm được điều này. 

Lối thoát cho Argentina 

Đầu tiên, Argentina phải thoát khỏi "đống lộn xộn" hiện nay. Với mong muốn giữ lấy kho dự trữ ngoại hối và thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên chợ đen, tháng trước NHTW Argentina đã cho phép đồng peso giảm giá. Bên cạnh đó, Argentina cũng nâng lãi suất để ngăn chặn kịch bản đồng peso giảm giá thổi bùng lên lạm phát. Tuy nhiên, Argentina cần phải thắt chặt hơn nữa. 

Có lẽ từ nay đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2015, Tổng thống Ms Fernández sẽ phải cố gắng rất nhiều. Đây là bước ngoặt lớn của Argentina. Đất nước này cần đến một chính trị gia đột phá để có thể thay đổi thế chế, đặc biệt nếu như áp lực cải cách giảm xuống. 

Bản thân người Argentine cũng phải thay đổi. Thuyết phục người dân chấp nhận khái niệm "những nỗi đau cần thiết" là điều vô cùng khó khăn. Kinh nghiệm từ những năm 1990 khiến nhiều người dân Argentina mất niềm tin vào các cải cách hướng đến tự do. 

Tuy nhiên, cũng chính cải cách sẽ buộc Argentina phải nhìn nhận lại thập kỷ lao dốc không phanh của mình. Và, hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là bước đầu tiên giúp Argentina có một tương lai tốt hơn. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên