MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mao Trạch Đông và kinh tế thị trường

04-12-2013 - 10:45 AM | Tài chính quốc tế

Những chính sách được công bố sau hội nghị trung ương 3 là dấu hiệu chính trị cho thấy Trung Quốc sẽ kết hợp tư tưởng Mao Trạch Đông với kinh tế thị trường.

Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc có thể được coi là một dấu mốc quan trọng. Trước khi sự kiện này kết thúc và chương trình cải cách được công bố, giới phân tích đổ dồn sự chú ý vào các cải cách kinh tế. Người ta đã bỏ qua những dấu hiệu chính trị cho thấy Trung Quốc sẽ kết hợp tư tưởng Mao Trạch Đông với kinh tế thị trường.

Tin tốt là các lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra rằng đất nước này cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng – từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang tiêu dùng và khu vực dịch vụ. Không nên đánh giá thấp những chủ trương mà hội nghị vừa đưa ra. Sau 30 năm tăng trưởng ở mức gần 10% mỗi năm, thay đổi mô hình tăng trưởng là điều không hề nhỏ và dễ dàng. 

Hầu hết các quốc gia sẽ chỉ thay đổi mô hình tăng trưởng khi kinh tế khủng hoảng hoặc suy thoái. Trong số 101 nền kinh tế mà World Bank xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình năm 1960, chỉ có 13 nước được xếp vào nhóm có thu nhập cao năm 2008. 

Tuy nhiên, tin xấu là trong khi những người tiền nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc cần phải thay đổi, các nhóm lợi ích phản đối sự thay đổi. Bởi vậy, ông Tập dường như đã rút ra kết luận phải có một kế hoạch chính trị để có thể tạo nên thay đổi.

Những chính sách kinh tế được đưa ra sau hội nghị có thể được tìm thấy trong bản báo cáo China 2030 được công bố năm ngoái. Đây là báo cáo được chuẩn bị bởi World Bank và Trung tâm nghiên cứu phát triển (trực thuộc Hội đồng nhà nước Trung Quốc). Thủ tướng Lý Khắc Cường là người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển báo cáo và ông Tập (khi đó là Phó Chủ tịch nước) đã rất hoan nghênh.

Lộ trình vừa được ra khá ấn tượng. Vai trò quyết định của thị trường được cho là sẽ hạn chế lợi ích nhóm và giảm thiểu tình trạng sử dụng không đúng các nguồn lực. Yếu tố thị trường sẽ được sử dụng để “dọn sạch” môi trường đầu tư. Những thay đổi về sở hữu đất đai và hệ thống an sinh xã hội sẽ giảm bớt chênh lệch giàu nghèo.

Chính sách thúc đẩy sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được thiết kế để giúp lực lượng lao động Trung Quốc tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị gia tăng. Trong khi đó, thị trường tài chính được mở rộng giúp phân bổ nguồn vốn tốt hơn và giảm trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước. 


Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ cần phải đẩy mạnh đô thị hóa để có thể thống nhất cải cách. Trong lịch sử, đô thị hóa luôn đi kèm với thu nhập gia tăng và mở rộng khu vực dịch vụ. McKinsey nhận định đô thị hóa ở Trung Quốc có phạm vi gấp 100 lần và tốc độ gấp 10 lần so với ở Anh – nơi có cuộc đô thị hóa đầu tiên trong lịch sử.

Lợi thế của các doanh nghiệp nhà nước cũng bị cắt giảm. Cổ tức mà bộ phận này phải trả cho chính phủ tăng lên. Yếu tố đầu vào (như vốn) cũng được áp dụng cơ chế thị trường.

Các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đẩy mạnh tự phê. Khi kết hợp với chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ, có thể bộ máy chính trị Trung Quốc sẽ trở nên trong sạch hơn.

Ông Tập là người đứng đầu nhóm 7 người thuộc Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị. Báo chí cho rằng trong quá khứ, người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào không thường xuyên gây ảnh hưởng lên 8 người còn lại. Tuy nhiên, ông Tập đi theo một hướng khác: lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia (mới được thành lập) và nhóm Cải cách sâu (cũng mới thành lập). Điều này có nghĩa là ông sẽ không để tình trạng bất đồng về chính sách kinh tế xảy ra. Rõ ràng đây là sự kết hợp giữa đường lối của Đặng Tiểu Bình và phương pháp của Mao Trạch Đông. 

Giới phân tích nước ngoài tin rằng những cải cách lần này là quan trọng chắc chắn sẽ nhớ về một “ngôi sao” khác khi nói về cải cách ở Trung Quốc: Chu Dung Cơ. Trong những năm 1990, cựu Thủ tướng Chu đã sử dụng sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO để cải cách trong nước. Giờ đây, các nhà cải cách tự hỏi những hiệp định đầu tư đa phương và hiệp định thương mại tự do có thể giúp ích gì hay không. 

Thu Hương

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên