MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mark Mobius “nhắn” Bắc Kinh: Hãy cứ để chứng khoán rơi

07-09-2015 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Điều gì có thể khiến một nhà đầu tư cổ phiếu chuyên bắt đáy, một nhà phân tích kỹ thuật và một nhà kinh tế học có cùng quan điểm? Hãy hỏi họ về chứng khoán Trung Quốc.

Mark Mobius, Tom DeMark và George Magnus – những chuyên gia nổi tiếng với một số lần dự báo chính xác và quan sát thị trường theo những “lăng kính” rất khác nhau – đều có chung dự báo rằng TTCK Trung Quốc sẽ giảm sâu hơn nữa. Họ cho rằng nỗ lực vực dậy thị trường của Chính phủ Trung Quốc là vô ích. Quan điểm này cũng ngày càng nhận được nhiều hơn sự đồng tình trong giới phân tích sau khi nỗ lực suốt 2 tháng qua không thể khiến thị trường tăng điểm một cách bền vững.

“Tôi hi vọng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ giảm can thiệp”, Mobius – người đứng đầu quỹ đầu tư Franklin Resources và đã có hơn 4 thập kỷ đầu tư vào các thị trường mới nổi – phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Hồng Kông. “Họ sẽ nhận ra rằng phương pháp này không hoạt động”.

Sau đợt nghỉ lễ kéo dài từ 2/9 đến hết tuần trước, chứng khoán Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại ngày hôm nay. Trong tuần này Trung Quốc sẽ công bố một loạt số liệu kinh tế bao gồm kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng cung tiền M2 và lạm phát tháng 8. Giới phân tích dự báo các số liệu này sẽ tiếp tục thể hiện kinh tế Trung Quốc đang yếu đi.

Theo DeMark – người đã có hơn 40 năm quan sát các chỉ số để xác định những bước ngoặt của thị trường, chỉ số Shanghai Composite sẽ giảm khoảng 18% nữa (xuống còn 2.590 điểm) trước khi tạo đáy. Trong khi đó Magnus, cố vấn kinh tế độc lập tại UBS Group, cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần phải cho phép Shanghai Composite rơi xuống vùng 2.500 – 2.800 điểm.

“Trung Quốc nên nhận ra các biện pháp can thiệp vô ích như thế nào”, Cedric Ma – chiến lược gia đến từ quỹ Convoy Asset Management – nhận định. “Chính phủ nên để thị trường tiếp tục điều chỉnh”.

Khối ngoại đã bán ròng chứng khoán Trung Quốc thông qua mối kết nối Thượng Hải – Hồng Kông suốt 4 phiên liên tiếp, khiến số vốn bị rút ra kể từ ngày 3/9 lên đến 4,9 tỷ USD. Chênh lệch về giá trị vốn hóa của một cổ phiếu khi niêm yết trên cả hai sàn đang tiến đến mức cao nhất kể từ năm 2009. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư quốc tế ở Hồng Kông đang tỏ ra bi quan hơn so với những nhà đầu tư ở đại lục.

Andrew Sullivan – chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Haitong – cho rằng thị trường Trung Quốc vẫn đang được nhìn nhận là ở mức giá quá cao so với giá trị thực. “Vì các biện pháp can thiệp của Chính phủ, thị trường Trung Quốc vẫn chưa trở về giá trị thực”.

Ngày 27/8, sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp trở lại vào TTCK. Trong tuần trước vẫn tiếp tục có những dấu hiệu của sự hỗ trợ khi các công ty có giá trị vốn hóa lớn (vốn là mục tiêu ưa thích của các quỹ được nhà nước hỗ trợ) thường xuyên tăng điểm vào cuối mỗi phiên.

Tuần trước Shanghai Composite vẫn giảm 2,2%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index theo dõi cổ phiếu của các công ty đại lục niêm yết trên sàn Hồng Kông giảm 6%.

Kể cả khi thu hẹp các biện pháp hỗ trợ trực tiếp, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều cách “thân thiện với thị trường” để hỗ trợ nền kinh tế. Đó là nhận định của Bruce Yu, chuyên gia đến từ quỹ Franklin Templeton SinoAm (Đài Loan). Theo ông, các nhà hoạch định chính sách nước này có thể tăng chi tiêu công hoặc đẩy mạnh kế hoạch gia tăng hiệu quả của các tập đoàn Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Paul Sheard, chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard & Poor’s, kinh nghiệm từ những năm 1960 của Nhật Bản cho thấy các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ có thể giúp ích. Nhật đã lập ra các quỹ giải cứu để mua cổ phiếu sau cơn bán tháo năm 1963. Sau đó TTCK và kinh tế Nhật đã hồi phục.

Đối với Alex Wong, chuyên gia đến từ quỹ Ample Capital (Hồng Kông), cổ phiếu Trung Quốc vẫn quá đắt đỏ để có thể thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Hiện hệ số P/E vẫn lên tới 45 lần, cao nhất trong số 10 TTCK lớn nhất thế giới và hơn gấp đôi so với mức 18 lần của chỉ số S&P 500. Chỉ số Shanghai Composite (là nơi mà các cổ phiếu ngân hàng có giá thấp chiếm tỷ trọng lớn nhất) có P/E ở mức 16 lần.

“Thị trường giảm thêm 5 đến 10% trong tuần này sẽ không phải là điều ngạc nhiên. Chính phủ không thể mua cổ phiếu mãi mãi”, ông nói.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên