Máy bay QZ8501 “rơi thẳng đứng”
Sau khi xem xét các dữ liệu có được từ chuyến bay AirAsia QZ8501, các chuyên gia hàng không nhận định máy bay đã rơi xuống biển “theo chiều thẳng đứng” một cách hết sức khó hiểu.
- 29-12-2014Máy bay AirAsia mất tích: Indonesia, Singapore, Malaysia tìm kiếm quy mô lớn
- 29-12-2014Những điều chưa biết về AirAsia và chuyến bay QZ8501
- 29-12-2014Cổ phiếu AirAsia sụt giảm sau vụ máy bay mất tích
- 28-12-2014Thêm một máy bay của hãng AirAsia gặp trục trặc kỹ thuật
Theo báo Daily Mail, chuyên gia hàng không Indonesia Gerry Soejatman cho biết phân tích các dữ liệu từ radar, có thể thấy chiếc Airbus A320-200 tăng độ cao quá gấp rồi bất ngờ rơi xuống theo chiều thẳng đứng “như một mảnh kim loại bị một bàn tay khổng lồ kéo xuống”.
“Cách máy bay rơi vượt ra ngoài phạm vi của logic. Rất khó để hiểu nổi” - chuyên gia Soejatman nhấn mạnh. Trong khi đó, báo Sydney Morning Herald dẫn lời chuyên gia hàng không Úc Peter Marosszeky thuộc ĐH New South Wales, cũng khẳng định máy bay đã rơi theo chiều thẳng đứng.
Đó là lý do lực lượng cứu hộ tìm thấy các thi thể và mảnh vỡ máy bay ở địa điểm chỉ cách nơi máy bay mấy tích 10 km. Các dữ liệu bị rò rỉ cho thấy máy bay đã tăng độ cao với vận tốc 1.828 - 2.743 m mỗi phút, tương tự như máy bay phản lực. “Bạn không thể nào làm như vậy với một chiếc Airbus A320” - ông Soejatman quả quyết.
Tốc độ tăng độ cao thông thường của máy bay thương mại là 304 - 457 m mỗi phút. Sau khi tăng độ cao, máy bay rơi với tốc độ còn chóng mặt hơn nhiều: 3.352 m/phút. Ông Soejatman nhận định cũng có thể số liệu từ radar đã sai, nhưng các số liệu này được truyền đi từ chính bộ phận radar Mode S của chiếc Airbus A320-200 gặp nạn.
Chuyên gia Marosszeky cũng đánh giá tốc độ tăng độ cao 1.828m/phút là của máy bay phản lực. Điều đó cho thấy thời tiết xấu khác thường là nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn. Ông khẳng định khó có khả năng radar Mode S đưa thông tin sai lệch.
Do đó, chuyên gia Soejatman cho rằng các phi công trên máy bay không thể nào cứu nổi 162 hành khách và nhân viên phi hành đoàn dù họ có nỗ lực đến mức nào đi nữa. Ông nhận định với giả thuyết này, việc nghiên cứu xác máy bay sẽ giúp các nhà điều tra xác định nguyên nhân tai nạn dễ hơn là chỉ dựa vào thông tin từ hộp đen.
“Một điều may mắn là máy bay rơi xuống vùng biển khá nông nên chúng ta có thể tìm được các bằng chứng bên ngoài phạm vi thông tin hộp đen” - ông Soejatman, chuyên gia hàng không có uy tín rất cao ở Indonesia, khẳng định.
Theo Nguyệt Phương