MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mây đen lại phủ kín trời eurozone

28-10-2014 - 20:16 PM | Tài chính quốc tế

Trong phút chốc, lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp vượt qua mốc 9%, chênh lệch lợi suất giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Đức và các nước còn lại tăng mạnh.

Đầu năm 2014, nền kinh tế eurozone xuất hiện nhiều dấu hiệu lạc quan. Hồi tháng 4, đúng 2 năm sau khi Hy Lạp áp dụng chương trình tái cơ cấu nợ lớn nhất trong lịch sử, nước này huy động được 3 tỷ euro (tương đương 4,2 tỷ USD) thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mức lợi suất chưa đến 5%. Đến tháng 7, lợi suất trái phiếu Hy Lạp kỳ hạn 10 năm xuống dưới 6%. Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha và Italy kỳ hạn tương đương ở mức chưa đến 3%.

Dường như các nền kinh tế thuộc khu vực ngoại vi eurozone cũng bắt đầu khởi sắc, thêm vào đó là cam kết sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giữ nguyên khối eurozone của NHTW châu Âu (ECB). 

Tất cả những thành tựu ấy biến mất trong cơn bán tháo diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10. Trong phút chốc, lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp vượt qua mốc 9%, chênh lệch lợi suất giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Đức và các nước còn lại tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp có mức xếp hạng thấp cũng “lao dốc không phanh”. 

Đáng chú ý hơn, đã xuất hiện những lo ngại rằng đà tăng trưởng chậm chạp của eurozone sẽ là gánh nặng đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Giảm phát – thứ khiến gánh nợ càng trầm trọng hơn -  bao trùm lên toàn bộ eurozone. Bên cạnh đó, cả nợ công và nợ tư nhân của eurozone đều không bền vững. 

Từ năm 2007 đến 2013, tỷ lệ nợ chính phủ/GDP ở eurozone đã tăng từ 66% lên 93%. Tỷ lệ này tăng nhanh hơn ở các nước ngoại vi: con số ở Hy Lạp hiện là 175% trong khi tỷ lệ ở Bồ Đào Nha đã tăng gấp đôi, lên 129%. 


Bản thân tỷ lệ nợ chính phủ cao không nhất thiết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vì lợi suất trái phiếu tăng lên, việc trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn. Italy – nước có tỷ lệ nợ chính phủ cao thứ 3 thế giới – là một mối lo lớn. Theo tính toán của Moody’s, Italy phải huy động được 470 tỷ euro trong năm tới (tương đương gần 1/3 GDP).



Nợ của khu vực tư nhân đang treo lơ lửng cũng là một mối lo. Các doanh nghiệp nợ quá nhiều chật vật tìm cách tăng trưởng và đầu tư trong khi các quy định quản lý mới khiến cánh cửa tiếp cận vốn bị thu hẹp. 

Mặc dù chính phủ Italy ngập trong nợ, các hộ gia đình ở đây nợ ít hơn so với Đức và nước này cũng không có nhiều công ty phi tài chính. Khu vực tư nhân của Tây Ban Nha đã dần dần giải chấp trong vài năm trở lại đây, đồng thời các ngân hàng cũng mạnh dần lên. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngập đầu trong nợ là hiện tượng phổ biến ở nhiều nước ngoại vi eurozone. Ở Bồ Đào Nha, khoảng 1/4 doanh nghiệp niêm yết có nợ lớn gấp 5 lần lợi nhuận trước thuế. Tỷ lệ vỡ nợ cũng đang tăng lên ở Bồ Đào Nha, Italy và Hy Lạp. 

Một nghiên cứu mới đây của Fitch chỉ ra rằng rất khó để các chính phủ eurozone giảm tỷ lệ nợ/GDP xuống 20 điểm cơ bản trong vòng 8 năm tới. Tăng thuế và cắt giảm chi tiêu là những biện pháp khó áp dụng, đồng thời các nước Nam Âu đã quá ngán cảnh “thắt lưng buộc bụng”. 

Một lần nữa, mây đen lại bao phủ bức tranh kinh tế eurozone. 


Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên