Mờ mịt như ngân hàng trong bóng tối
Năm 2007, khái niệm “shadow banking” ra đời với “cha đẻ” là Paul McCulley – một lãnh đạo tại quỹ đầu tư trái phiếu tên tuổi PIMCO.
Bản thân khái niệm “ngân hàng trong bóng tối” cũng mờ mịt như tên gọi của các định chế tài chính này. Năm 2007, khái niệm “shadow banking” ra đời với “cha đẻ” là Paul McCulley – một lãnh đạo tại quỹ đầu tư trái phiếu tên tuổi PIMCO. Ông dùng khái niệm này để mô tả những cấu trúc tài chính được các ngân hàng phương Tây sử dụng trước khủng hoảng tài chính để giữ các khoản nợ phức tạp đã được chứng khoán hóa ở bên ngoài bảng cân đối kế toán. Giờ đây các cấu trúc này đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Theo Ủy ban ổn định tài chính (Financial Stability Board – FSB), cơ quan quốc tế được thành lập với nhiệm vụ giám sát các định chế tài chính và ngăn chặn khủng hoảng, định nghĩa “ngân hàng trong bóng tối” là các trung gian tín dụng thực hiện những hoạt động nằm ngoài hệ thống ngân hàng chính thống. Nói cách khác, ngân hàng trong bóng tối bao gồm tất cả các hoạt động cho vay trừ cho vay từ ngân hàng.
Ở hầu hết các nước, chỉ các ngân hàng có thể giữ tiền gửi được chính phủ bảo lãnh, đồng thời chỉ có các ngân hàng mới nhận được tín dụng ưu đãi từ NHTW. Tuy nhiên, lợi thế này cũng đi kèm với nhiều quy tắc và giới hạn. Nguyên nhân là bởi các ngân hàng – dù có ý nghĩa quan trọng đối với sự vận hành trơn tru của một nền kinh tế - rất dễ bị tổn thương.
Dẫu vậy, tiền có thể được chuyển từ người tiết kiệm sang người đi vay qua nhiều đường không liên quan đến các ngân hàng. Ví dụ, một cá nhân hay doanh nghiệp có thể cho người khác vay trực tiếp. Một doanh nghiệp có thể mượn tiền từ hàng nghìn người tiết kiệm thông qua thị trường trái phiếu, hoặc một quỹ hưu trí có thể đổ tiền vào quỹ đầu tư và quỹ này lại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay tiền.
Hầu hết các nhà nghiên cứu và lãnh đạo NHTW sử dụng thuật ngữ “ngân hàng trong bóng tối” với phạm vi hẹp, ám chỉ các hình thức cho vay có đặc điểm tương tự như đặc điểm của một ngân hàng. Mục đích là để xác định và hạn chế những hành vi có thể dẫn đến khủng hoảng trong tương lai.
Một trong những loại hình được nhắc đến nhiều nhất là cơ chế đòn bẩy: một định chế vay mượn quá nhiều khi so sánh với lượng vốn dự phòng. Hầu hết các quỹ đầu tư đều cố gắng tối thiểu hóa tỷ lệ đòn bẩy, vì vậy có ít khả năng rủi ro sẽ lây lan. Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn rất nhiều đối với các ngân hàng trong bóng tối đã phát hành chứng khoán đảm bảo bằng tài sản trước khi khủng hoảng nổ ra.
Sự lệch pha về thời gian cho vay và đi vay là một mối lo ngại khác. Giống như ngân hàng, các quỹ đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi không thể đòi nợ đúng hạn để trả lại tiền cho nhà đầu tư. Các nhà quản lý đang cố gắng hạn chế sự lệch pha tại các ngân hàng bằng cách yêu cầu họ tăng nắm giữ tiền gửi dài hạn nếu họ phát hành những khoản vay dài hạn. Điều này càng quan trọng hơn đối với các ngân hàng trong bóng tối.
Cụm từ “ngân hàng trong bóng tối” trong series bài viết này được dùng để nói đến bất cứ định chế tài chính nào chen vào lĩnh vực hoạt động của các ngân hàng. Có thể nhìn thấy sự cạnh tranh rõ ràng nhất ở hoạt động cho vay, nhưng hoạt động thanh toán và giao dịch chứng khoán cũng bị ảnh hưởng. Một số chỉ đơn giản là các ngân hàng nhưng không được gọi là ngân hàng, nhưng có không ít trường hợp đó là những thực thể hoàn toàn khác biệt và có ưu điểm vượt trội so với ngân hàng. Những định chế này là các trụ đỡ giúp hệ thống tài chính an toàn hơn chứ không phải là một mối đe dọa lớn đối với nền tài chính toàn cầu.
Thu Hương