MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mới đánh bại cũ trên TTCK Trung Quốc

04-11-2015 - 12:27 PM | Tài chính quốc tế

Các công ty sản xuất mỹ phẩm và bao cao su cũng như các doanh nghiệp công nghệ và truyền thông chứng kiến doanh thu vẫn tăng trưởng tốt bất chấp nền kinh tế ảm đạm.

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhưng nhóm công ty mới nổi vẫn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Các công ty này đều phục vụ cho người tiêu dùng trung lưu. Cần phải nói thêm rằng, chính sách của nhà nước cũng khuyến khích phục vụ đối tượng trung lưu khi mà những ngành như bất động sản hay ngành thép gặp khó khăn.

Người tiêu dùng trung lưu chưa thể thúc đẩy nền kinh tế của đất nước nhưng ít nhất, họ đang đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của các công ty nước ngoài như Nike hay Okamoto Industries (Nhật Bản). Tại Trung Quốc, nhiều ngành vẫn tăng trưởng, doanh thu tăng mạnh ngay cả khi nền kinh tế khó khăn: cụ thể là các ngành công nghệ, năng lượng thay thế, giáo dục, truyền thông và giải trí. Những ngành này có mức tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các ngành ngân hàng, năng lượng và vật liệu.

Goldman Sachs cho biết, có một nhóm khoảng 20 công ty niêm yết mới của Trung Quốc có doanh thu tăng đến 23% trong nửa đầu năm nay (mức cao nhất kể từ năm 2010) trong khi nhóm công ty cũ tăng chỉ 2%. Điều này cho thấy, những công ty mới sẽ ít nhạy cảm trước biến động kinh tế hơn nhóm công ty cũ.

Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài không được tiếp cận với các công ty này, một số khác chọn những công ty không thuộc quản lý của Trung Quốc nhưng có thể sẽ nổi trội nếu kinh tế nước này ấm lên. Ngay cả các nhà quản lý quỹ không đầu tư ở Trung Quốc cũng chú ý đến sự phân hóa rõ ràng này.

Phong trào thể dục thể thao tại trung Quốc đã tạo bước ngoặt cho Nike. Tháng 9 vừa qua, hãng công bố theo quý tại thị trường Trung Quốc tăng đến 23%, đồng thời doanh thu tăng mạnh hơn nhiều so với các khu vực khác.

Nhờ vào làn sóng K-pop mà cổ phiếu của hãng mỹ phẩm AmorePacific đã tăng 66% trong năm nay do nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc. Doanh thu từ thị trường Trung Quốc tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng 5 năm. Người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng mỹ phẩm nhãn hiệu Sulwhasoo và Laneige của AmorePacific do chúng được làm từ những nguyên liệu thảo dược truyền thống và các thành phần tự nhiên. Theo HSBC, đến năm 2016, Trung Quốc sẽ đóng góp đến 37% lợi nhuận của công ty này, gần gấp đôi so với mức 19% của năm 2013. .

Theo bà Amy Lee- quỹ Value Partners (Hồng Kông), mặc dù thị trường cao cấp ở Trung Quốc đang chững lại nhưng thị trường dành cho người trung lưu đang lớn dần, về cả quy mô và tốc độ tăng trưởng. AmorePacific Corp đang phục vụ cả người giàu lẫn người trung lưu. Điều này hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đồng yên mất giá nên các công ty Nhật Bản cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Cổ phiếu của Okamoto Industries, hãng sản xuất bao cao su hàng đầu của Nhật Bản tăng đến 183% trong năm nay, đạt mức kỷ lục trong tháng 10. Okamoto là thương hiệu nổi tiếng tại Trung Quốc, nhưng hàng giả, hàng nhái tại thị trường này là vấn đề nan giải.

Tại cửa hàng miễn thuế Laox của Nhật Bản, nồi cơm điện 800 USD và xí bệt 500 USD là những mặt hàng bán đắt như tôm tươi. Nhờ thị trường Trung Quốc mà chuỗi cửa hàng đã có được lợi nhuận lần đầu tiên sau 14 năm, cổ phiếu cũng tăng 40% trong năm nay. Vì nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm của công ty tăng nên nhà đầu tư đang quay trở lại.

Do dịch bệnh hô hấp Trung Đông (MERS) mùa hè năm nay, lượng du khách Trung Quốc sang Hàn Quốc giảm, cổ phiếu của các công ty Hàn Quốc như Lotte Duty Free và khách sạn Shilla bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, theo ông Erwan Rambourg (HSBC), chính vì bị ảnh hưởng, giá cổ phiếu giảm nên tạo ra cơ hội mua vào. Nhờ xu hướng của Trung Quốc mà doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có lợi. Ngoài ra, tuy ít được nhắc đến nhưng các sân bay cũng hưởng lợi không ít. Tháng 8, sau vụ nổ bom tại vụ đánh bom gây chết người ở Đền Erawan - Bangkok, khách du lịch quốc tế tăng trở lại, chủ yếu nhờ lượng khách từ Trung Quốc. Do đó, sân bay Thái Lan là bên hưởng lợi.

Những công ty thua lỗ có nhiều nhưng đều là những công ty đã từng thành công.

Do KFC và Pizza Hut làm ăn thiếu hiệu quả nên công ty Yum China bị tách ra khỏi Yum Brands Inc. Trong khi đó, bản thân Yum Brands cũng gặp khó khăn bởi nguồn cung vẫn tăng mà nhu cầu tại Trung Quốc giảm so với dự kiến.

Theo ông Jean-Louis Nakamura- ngân hàng Lombard Odier (Thuỵ Sỹ), đây mới chỉ là bước khởi đầu của suy thoái tại Trung Quốc. “Đầu tiên là xuất khẩu, rồi đến hàng hóa nhập khẩu... Nhu cầu về máy móc thiết bị cũng sẽ giảm theo”.

Thu Trang

WSJ

Trở lên trên