MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ đã phá hỏng quan hệ với ông Putin như thế nào? (P2)

26-04-2014 - 17:39 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ đem quân đến Iraq, Kosovo tách khỏi Serbia và sự kiện ở Georgia là ba yếu tố khiến quan hệ giữa cựu Tổng thống Bush và ông Putin "trật bánh".

Mối quan hệ thân tình giữa Bush và Putin đã sụp đổ vì mâu thuẫn cốt lõi: mối quan hệ giữa Nga và các nước láng giềng. Tháng 11/2002, Bush hậu thuẫn việc NATO mời 7 quốc gia – trong đó có Estonia, Latvia và Lithuania là những nước thuộc Liên Xô cũ – bắt đầu đàm phán gia nhập. Năm 2004, 7 quốc gia Đông Âu này gia nhập NATO.

Putin và các quan chức khác của Nga tự hỏi tại sao NATO vẫn tiếp tục bành trướng khi mà kẻ thù là Liên bang Xô Viết đã không còn tồn tại. Nga cũng cho rằng động thái này của NATO sẽ gây nên những mối nguy mới như khủng bố hay khiến các nước khác đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân. 

Theo Thomas E. Graham - người đã từng là cố vấn cao cấp của Bush về vấn đề Nga - cho rằng lẽ ra Mỹ nên có một nỗ lực lớn hơn nhằm tạo nên một thể chế an ninh thay thế NATO và có sự tham gia của Nga. Ông cho rằng thể chế này phải dựa vào ba trụ cột: Mỹ, châu Âu và Nga. 

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Dick Cheney, Thượng nghị sĩ John McCain và các lãnh đạo bảo thủ khác vẫn hoài nghi về Nga và do đó muốn mở rộng NATO. Họ lập luận rằng không nên trao cho Moscow quyền quyết định quốc gia nào được gia nhập NATO và cũng không có Tổng thống Mỹ nào nên cự tuyệt yêu cầu từ các quốc gia Đông Âu đang muốn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. 

Việc Mỹ đem quân đến Iraq năm 2003 mà không được sự cho phép của Liên hợp quốc, bất chấp sự phản đối của Pháp, Đức và Nga là một bước ngoặt lớn đối với Putin. Ông cho rằng cuộc chiến này đi ngược lại lời kêu gọi dân chủ của Mỹ và vi phạm luật pháp quốc tế. 

Cuối năm 2003, các cuộc biểu tình ở nước Cộng hòa từng thuộc Liên Xô Georgia dẫn đến việc một lãnh đạo thân châu Âu lên nắm quyền. 4 tháng sau, các cuộc biểu tình trên đường phố ở Ukraine biến thành cuộc Cách mạng Cam và cũng tạo nên một vị Tổng thống thân phương Tây. Ông Putin nhìn nhận những diễn biến này là sự lật lọng không lâu sau khi Nga giúp đỡ Mỹ ở Afghanistan. 

Năm 2006, Nhà Trắng có hỏi ý kiến của điện Kremlin để xin phép cho máy bay chở Tổng thống Bush dừng tiếp nhiên liệu ở Moscow trên đường tới dự một hội nghị châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Bush rõ ràng không có ý định gặp Nga - người mà ông cho là không liên quan gì đến hội nghị. Sau khi các quan chức ngoại giao Nga phàn nàn, Graham được cử tới Moscow xem xét tình hình. Cuối cùng, hai vị Tổng thống đã gặp nhau. 

"Khi phái đoàn cấp cao của Nga tới Washington vào tháng 12/2006, chúng tôi không có gì để đưa ra thương lượng. Chúng tôi không có thời gian để nghĩ tới điều đó vì đang mải tập trung vào Iraq". Graham cho rằng nội các của Tổng thống Bush đã bỏ lỡ vài cơ hội trong những năm đầu để tạo nên khác biệt. Và, những động thái sau đó đã gửi đi thông điệp tiêu cực. 

Mối quan hệ giữa Bush và Putin "trật bánh" năm 2008. Tháng 2, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia với sự trợ giúp của Mỹ. Nga - hậu thuẫn lâu năm của Serbia - đã cố gắng ngăn cản điều này trong suốt 1 thập kỷ. Tháng 4 năm đó, Tổng thống Bush giành được sự ủng hộ của NATO về việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Tây Âu. Ông kêu gọi mời Ukraine và Georgia tham gia Kế hoạch Hành động chuẩn bị gia nhập NATO (MAP). Pháp và Đức ngay lập ngăn cản, cảnh báo NATO mở rộng sẽ làm xấu đi mối quan hệ với Nga. Cuối cùng, NATO chỉ đưa ra thông báo "hai nước này sẽ trở thành thành viên của NATO". 


Tháng 8/2008, ông Putin có hành động đáp trả. Ông giành lại được kiểm soát đối với Nam Ossetia (vùng ủng hộ Nga) và Abkhazia. Chính quyền Tổng thống Bush (đang chìm trong rắc rối ở Iraq và Afghanistan) công khai phản đối nhưng từ chối can thiệp quân sự vào Georgia. 

Vladimir Putin rõ ràng đã trở thành người chiến thắng và đạt được mục tiêu chống lại phương Tây. 

Thu Hương

huongnt

Reuters

Trở lên trên