Mỹ trả nợ 1,7 tỉ USD rồi áp thêm lệnh trừng phạt Iran
Mỹ tuyên bố trả Iran 1,7 tỉ USD gồm cả nợ và lãi sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực, tuy nhiên tiếp tục áp lệnh trừng phạt với 11 tổ chức và cá nhân liên quan tới thử nghiệm lên lửa đạn đạo gần đây.
- 18-01-2016Iran sắp bơm ra thị trường 500.000 thùng dầu mỗi ngày
- 18-01-2016Iran được gì sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ?
- 06-01-2016Giá dầu sẽ thế nào nếu Saudi Arabia và Iran xung đột vũ trang?
Theo AFP, thông tin do ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố ngày chủ nhật, 17-1.
Theo đó, khoản thanh toán nợ được thực hiện theo một phán quyết của tòa án công lý quốc tế, không liên quan tới hàng chục tỉ USD liên quan tới tới những tài sản tại nước ngoài bị phong tỏa, đóng băng của Iran có thể tiếp cận trở lại sau khi chấm dứt các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên do tính thời điểm của việc công bố này, một ngày sau khi thỏa thuận hạt nhân với Iran chính thức có hiệu lực, nên có thể xem đó như một động thái mạnh mẽ hơn nữa trong việc dẹp bỏ những mắc míu không cần thiết giữa hai quốc gia từng thù địch.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bảo vệ quyết định thanh toán nợ nần với Iran trong một tuyên bố được truyền hình từ Nhà Trắng khi cho rằng nước Mỹ không có lợi ích gì trong việc kéo dài vấn đề này. Tuy nhiên quyết định này không tránh khỏi luồng chỉ trích mạnh mẽ từ phía đảng Cộng hòa.
Ngoại trưởng Kerry cho biết khoản tiền Mỹ trả lại Iran gồm 400 triệu USD Iran dùng để mua trang thiết bị quân sự của Mỹ trước thời điểm xảy ra đổ vỡ quan hệ ngoại giao (năm 1979), cộng thêm 1,3 tỉ USD tiền lãi.
Năm 1981, tòa án quốc tế nhằm giải quyết vấn đề nợ nần giữa Mỹ và Iran đã được thiết lập tại The Hague. Tehran đã nộp đơn yêu cầu Mỹ trả lại họ số tiền mua vũ khí đã thanh toán. Do đó theo ông Kerry, việc Mỹ trả nợ Iran là một điều “công bằng”.
Tuy nhiên trong một diễn biến khác, Mỹ lại vừa tuyên bố áp các lệnh trừng phạt mới với các tổ chức và cá nhân Iran có liên quan tới vụ thử tên lửa đạn đạo gần dây.
Theo BBC các lệnh trừng phạt mới sẽ cấm các đối tượng liên quan tới chương trình tên lửa không được sử dụng hệ thống ngân hàng Mỹ.
Thông tin này công bố sau khi các lệnh trừng phạt của quốc tế với Iran về chương trình hạt nhân được gỡ bỏ, động thái mà tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 17-1 cho là “thông minh”.
Cũng theo thỏa thuận đó thì bốn người Mỹ cũng đã được Iran trả tự do. Trong số họ có nhà báo Jason Rezaian của tờ Washington Post, người mà ông Obama ca ngợi là một nhà báo “dũng cảm”.
Một người Mỹ thứ năm là Matthew Trevithick cũng được trả tự do trong một đợt riêng.
Nhà báo Rezaian và hai người khác đã bay tới căn cứ của Mỹ ở Đức để kiểm tra sức khỏe.
Chính các cuộc đàm phán trong tháng 12-2015 liên quan tới việc trao trả tù nhân này đã khiến Bộ tài chính Mỹ chần chừ trong việc áp các lệnh trừng phạt mới.
Quyết định trừng phạt vừa đưa ra chỉ được công bố sau khi máy bay chở các cựu tù Mỹ bị giam ở Iran đã rời khỏi lãnh thổ nước này.