MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ - Trung đấu dịu?

05-12-2013 - 11:06 AM | Tài chính quốc tế

Trước chuyến đi của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đến Bắc Kinh, báo chí nước ngoài đều phỏng đoán đó là chuyến đi “lành ít dữ nhiều”, nhưng thực tế ngày làm việc đầu tiên cho thấy không đến nỗi như vậy.

Hôm qua, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden - người được báo chí mấy ngày qua gọi là “người gỡ mìn” - đã đặt chân đến Bắc Kinh sau chặng dừng đầu tiên ở Nhật. Tại Nhật, ông và Thủ tướng Shinzo Abe đã có những cử chỉ tay bắt mặt mừng cùng những phát biểu thắm tình đồng minh bền chặt. Nhiều người tin rằng ông sẽ mạnh mẽ mang thông điệp về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông sang bàn thảo tại Trung Quốc.

Thế nhưng trong cả hai cuộc gặp với Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều và Chủ tịch Tập Cận Bình chiều qua, không hề có thông tin ông Biden đưa vấn đề ADIZ ra thảo luận với phía Bắc Kinh như từng tuyên bố ở Tokyo một ngày trước đó. Hôm nay (5-12), ông Biden gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước khi bay sang Hàn Quốc.

ADIZ không là đề tài chính

Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc dẫn lời ông Lý Nguyên Triều cam kết với Phó tổng thống Joe Biden rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường liên lạc chiến lược cấp cao giữa hai nước và tránh xung đột cũng như đối đầu.

"Bắc Kinh yêu cầu Nhật Bản xem lại hành động của mình và sửa chữa kịp thời, còn các nước khác nên nói và hành động cẩn trọng để tránh dẫn đến việc Tokyo tiếp tục sai lầm. Quân đội Trung Quốc kiên quyết tiếp tục giám sát khu vực này"

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung QuốcCảnh Nhạn Sinhvẫn tuyên bố đầy cứng rắn trên Tân Hoa xã

Giới chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu có thể Bắc Kinh và Washington đang đấu dịu với nhau. “Ông Biden và các lãnh đạo Trung Quốc không thể để những bất hòa về ADIZ ảnh hưởng đến những lợi ích chung và cản trở những nỗ lực tăng cường mối quan hệ của hai bên. Có thể ADIZ đã được thảo luận nhưng sẽ không là đề tài chính trong các cuộc đối thoại giữa hai bên” - Reuters dẫn lời chuyên gia về mối quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Yale Graham Webster.

Trước đó, AFP dẫn lời một quan chức giấu tên của Chính phủ Mỹ cho biết Phó tổng thống Biden sẽ thẳng thắn đưa những quan ngại của Mỹ về vùng ADIZ mà Trung Quốc đơn phương lập ra trong cuộc thảo luận với Bắc Kinh.

Song giới quân sự và truyền thông Trung Quốc dường như vẫn quan ngại về chuyến đi của ông Biden sẽ gây rắc rối cho vùng ADIZ mà họ mới lập. Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho rằng Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông là tăng cường an toàn thay vì gây nguy hiểm, là hợp tác chứ không phải đối đầu.

Cùng lúc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng không thừa nhận Bắc Kinh đã gây nên căng thẳng ở biển Hoa Đông, ngược lại còn cáo buộc Nhật và các nước khác đang thổi phồng vấn đề lên vì lợi ích của mình. “Trung Quốc đã đưa ra đề nghị đối thoại, thảo luận an ninh hàng không trong ADIZ bị chồng lấn. Chúng tôi hi vọng Tokyo sẽ dừng mọi bất đồng và đóng góp vào sự ổn định của khu vực” - Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc dẫn lời ông Hồng Lỗi.

Phản ứng của giới truyền thông Trung Quốc gay gắt không kém khi Phó tổng thống Joe Biden đặt chân đến Bắc Kinh. Nhật Báo Trung Quốc cảnh báo sự ủng hộ của ông Biden đối với Nhật Bản sẽ hủy hoại lòng tin đối với ông ở Trung Quốc. “Dù đang cố thể hiện là một nhà trung gian công bằng, nhưng rõ ràng Washington đã đứng về phía Nhật Bản. Sẽ không có tiến triển nào nếu ông Biden chỉ lặp lại những phát biểu đơn phương và sai lầm của Chính phủ Mỹ” - báo này viết.

Tiến tới lập ADIZ ở biển Đông

Ngày 3-12, Hãng tin AP dẫn lời đại sứ Trung Quốc ở Philippines Mã Khắc Khanh cho rằng Bắc Kinh có khả năng lập vùng ADIZ ở biển Đông, sau biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên một quan chức ngoại giao Trung Quốc khẳng định về khả năng lập vùng ADIZ ở biển Đông.

Bà Mã Khắc Khanh cho rằng Chính phủ Trung Quốc có quyền quyết định địa điểm và thời gian lập vùng ADIZ mới. Song bà đại sứ không thể cho biết chính xác Bắc Kinh có thực hiện ý định trong thời điểm này hay không. “Tôi cho rằng mục tiêu lập ADIZ không phải để kích hoạt một cuộc xung đột mới, mà là ngăn chặn mọi căng thẳng bất kỳ có thể xảy ra trong khu vực này. Điều này sẽ không gây cản trở sự tự do của những chuyến bay trong khu vực nếu họ thông báo kế hoạch bay với phía Trung Quốc” - bà Mã giải thích.

Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Manila Philip Goldberg mô tả hành động của Trung Quốc là nguy hiểm. “Chúng tôi không tin rằng đây là hành động có ý xây dựng lòng tin hay cải thiện tình hình. ADIZ của Trung Quốc sẽ gây căng thẳng và khả năng tính toán sai lầm dù là ở đâu” - ông Goldberg phân tích. Cùng ngày, Philippines phản ứng vùng ADIZ do Trung Quốc đơn phương lập ra đã vi phạm sự tự do hàng không quốc tế và những thỏa hiệp an toàn đối với hàng không dân sự.

Theo MỸ LOAN

huongnt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên