Mỹ, Trung Quốc, EU: Bạn hữu hay đối thủ?
Mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa 3 đối tác Trung Quốc, EU và Mỹ sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến thế giới?
- 24-01-2014Davos qua các con số
- 23-01-2014Trung - Nhật tranh cãi đến tận Davos
- 22-01-2014Tốn bao nhiêu tiền để làm đại biểu ở Davos?
- 17-01-2014Hiểu thêm về Davos 2014
Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) là ba trụ cột quan trọng của kinh tế thế giới. Do đó, một trong những chủ đề được quan tâm và đưa ra thảo luận trong Hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới năm nay là về mối quan hệ giữa ba trụ cột này.
Với chủ đề "China, Europe, US: The Competition Challenge", phiên thảo luận diễn ra hôm qua (23/1) xoay quanh một câu hỏi lớn: mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa 3 đối tác Trung Quốc, EU và Mỹ sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến thế giới?
Các vị khách mời trong phiên này gồm có: Joseph S. Nye – Giáo sư trường đại học Harvard, Mỹ; Angel Gurría – Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, Pháp; Nick Clegg – Phó thủ tướng Anh, Lloyd C. Blankfein – Chủ tịch và CEO Goldman Sachs, Mỹ và Wang Jianlin - Chủ tịch Dalian Wanda, CHND Trung Hoa.
Mở đầu hội nghị, ông Angel Gurría – Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD - nhận định EU là vùng kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đứng thứ hai, và Trung Quốc thứ ba. Mối quan hệ tăng cường hợp tác giữa ba nước có thể ảnh hưởng tới cơ cấu thương mại toàn cầu, đồng thời giúp ổn định hòa bình thế giới.
Ông cũng cho rằng với sự phát triển của Trung Quốc như hiện nay, cường quốc này có thể vượt lên đứng đầu, đóng góp cho sự thịnh vượng trong tương lại của thế giới. Ngài Lloyd C. Blankfein – Chủ tịch và CEO Goldman Sachs cũng ủng hộ việc phát triển của Trung Quốc khi cho rằng Mỹ cũng được lợi rất nhiều trong vấn đề này.
Nhận định về phương hướng phát triển thương mại của cả 3 khu vực trong tương lai, ngài Nick Clegg – Phó thủ tướng Anh khẳng định không có chỗ cho chủ nghĩa bảo hộ. Các nước cần thúc đẩy thương mại dựa trên các thỏa thuận hợp tác hai bên, mở rộng môi trường đầu tư, đồng thời đảm bảo các vấn đề minh bạch pháp luật, bảo vệ môi trường.
Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của EU, kim ngạch thương mại hai khu vực đã tăng gấp đôi trong trong vòng 10 năm gần đây. Ngài Wang Jianlin - Chủ tịch Dalian Wanda chia sẻ Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư nước ngoài. Theo ông, mặc dù môi trường đầu tư ở Mỹ rất mở cửa, Anh mới là môi trường tốt nhất để đầu tư hiện nay. Tập đoàn của ông đã đầu tư hơn 1 tỷ bảng Anh vào các khách sạn ở đây, và dự đoán đầu tư sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
Khi được hỏi: làm thế nào tăng cường sức cạnh tranh mà vẫn đảm bảo mối quan hệ hợp tác, cùng phát triển giữa ba khu vực? Ngài Joseph S. Nye – Giáo sư trường đại học Harvard cho rằng: biện pháp sáng suốt nhất hiện nay là kết hợp cân bằng giữa “hard power and soft power” (tạm dịch là: quyền lực cứng và quyền lực mềm). Điều này có nghĩa, các khu vực, cường quốc không nên chỉ chú trọng phát triển kinh tế hay củng cố quốc phòng, mà cần kết hợp cải thiện môi trường đầu tư, gia tăng khả năng cạnh tranh.
Trung Quốc, EU và Mỹ sẽ vẫn tiếp tục là ba nền kinh tế lớn nhất của thế giới trong thời gian tới, và liệu sự hợp tác của họ có đảm bảo vực dậy được nền kinh tế thế giới trong cuộc khủng hoảng này vẫn là câu hỏi được để ngỏ. Nhưng những tín hiệu tích cực từ các thỏa thuận thương mại và gia tăng đầu tư giữa các khu vực này hứa hẹn tương lai sáng cho kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, các vị khách mời cũng hi vọng Trung Quốc sẽ có những trách nhiệm quốc tế tương xứng với sự bành trướng về kinh tế như hiện nay.
Huyền Anh