MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ và EU "cố đấm ăn xôi"?

30-07-2014 - 19:16 PM | Tài chính quốc tế

Những động thái trừng phạt "nặng nề" mà Mỹ và EU nhằm vào Nga liệu có tác dụng? Đây là những lý do khiến ông Putin không cần phải sợ.

Rạng sáng ngày 30/7 theo giờ Việt Nam, sau bài phát biểu của ông Barack Obama về tình hình Ukraina-Nga, Hoa Kỳ đã thống nhất phối hợp cùng với Liên minh châu Âu EU mở rộng sự trừng phạt nhắm vào Nga lên mức “lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh”.

Trước đó vài tiếng, EU cũng đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế rộng hơn với Nga, với hi vọng Nga sẽ thay đổi quan điểm trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Các lệnh trừng phạt mới gồm giới hạn đối với ngành tài chính, quân sự và năng lượng Nga, nhằm trừng phạt Nga trước điều mà EU cho là tiếp tục can thiệp và ủng hộ lực lượng ly khai ở Ukraine.

Thế nhưng, liệu những động thái này của Nhà trắng và EU có thực sự hiệu quả? Liệu có đe dọa được Putin?

Câu trả lời là Không. Sau đây là những lý do cơ bản nhất để Putin không có gì phải sợ.

EU quá phụ thuộc vào khí gas tự nhiên của Nga

Như đã phân tích trong bài viết trước, trong 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, có tới 18 nước phụ thuộc vào khí gas tự nhiên của Nga với mức phụ thuộc trung bình lên tới 23%. Đức, nước có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Liên minh châu Âu cũng nhập khẩu tới 36.5% lượng khí gas tự nhiên từ Nga.

Rõ ràng, nếu dồn Putin đến chân tường thì rất có thể sẽ có Khủng hoảng năng lượng lần thứ III diễn ra ngay trong lòng châu Âu. Các nước thuộc liên minh châu Âu hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Kinh tế châu Âu dính chặt vào Nga

Trước khi căng thẳng nổ ra, quan hệ thương mại song phương giữa Nga và các nước thuộc Liên minh châu Âu vẫn rất tốt đẹp. Hãy nhìn vào tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga của một số nước thuộc Liên minh châu Âu:

Hà Lan, nước vừa có 193 hành khách thiệt mạng trên chuyến bay MH17, là một trong những nước có nền kinh tế “dính chặt” vào Nga nhất: Có tới 6.4% lượng hàng hóa nhập khẩu vào Hà Lan là từ Nga. Ngay cả Đức, quốc gia “quyền lực” nhất liên minh châu Âu cũng nhập khẩu gần 4.3% lượng hàng hóa từ Nga.

Rõ ràng, ảnh hưởng về thương mại của Nga với các nước này lớn hơn nhiều lần so với Vương quốc Anh hay Hoa Kỳ, những nước mạnh bạo nhất trong việc trừng phạt Nga.

Mức độ ảnh hưởng trong quan hệ thương mại giữa Nga với các nước thuộc Liên minh châu Âu bây giờ đã lớn hơn rất nhiều so với năm 1999, thời Putin mới tiếp quản Nga từ tổng thống tiền nhiệm Boris Yeltsin. Hãy quan sát Tỷ trọng kim ngạch Xuất nhập khẩu những năm 1999:

Không ai có lỗi trong việc này. Tất cả là do sự toàn cầu hóa của thế giới hiện đại. Dù đây có là chiến lược của Putin ngay từ những ngày đầu nhậm chức thì cũng không thể trách các nước trong Liên minh châu Âu được.

Thắng lớn ở Trung Quốc

Cuộc gặp gỡ của Tổng thống Nga Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5 rõ ràng là một thắng lợi lớn của ông Putin.

Hợp đồng khí đốt Nga-Trung đã mất tới hơn 10 năm để đàm phán, nhưng cái giá mà hai bên nhận được cũng rất xứng đáng. Tuy người ta cho rằng Nga chấp nhận chịu thiệt một chút trong giá bán khí đốt cho Trung Quốc, nhưng đổi lại Nga đã có thể “xoay trục” sang thị trường Trung Quốc rộng lớn, điều này sẽ khiến cho Nga ít bị tổn thương hơn nhiều trước các động thái trừng phạt của EU và Hoa Kỳ.

Quan trọng hơn, người ta cho rằng có khả năng Trung Quốc sẽ tài trợ nguồn vốn rất lớn cho Nga để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và hơn thế nữa nguồn vốn này sẽ được trả bằng đồng Nhân dân tệ (RMB), khiến cho thỏa thuận này trở nên an toàn tuyệt đối trước mọi biện pháp trừng phạt của phương tây.

Như vậy, Putin gần như đã có được sự đảm bảo về tài chính trong cuộc phiêu lưu mang tên Crimea của mình.

Sự ủng hộ của nhân dân

Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Levada – Nga, tính đến tháng 6/2014, tỷ lệ ủng hộ ông Putin của người Nga đã tăng lên mức cao gần nhất trong lịch sử: Có tới 86% số người Nga khi được hỏi cho biết họ ủng hộ các quyết định của ông Putin.

Tỷ lệ này đã tăng đột biến từ sau sự kiện căng thẳng chính trị tại Ukraina, và có vẻ sẽ vẫn còn tăng nữa:

Nhà triết học Lão Tử của Trung Quốc đã dạy rằng “Nếu dân không sợ chết, dọa họ chết có ích gì”. Thật vậy, ở cương vị người đứng đầu nước Nga, khi có được sự ủng hộ của dân chúng, Putin liệu có còn gì để sợ?

Phản ứng mạnh nhưng chưa đủ của Mỹ và EU

Lệnh trừng phạt cấm các Ngân hàng của Nga không được phép bán trái phiếu ở châu Âu thực ra là một rào cản về tài chính: Nền kinh tế Nga sẽ khó tiếp cận nguồn vốn dài hạn, mà chủ yếu là để trả các khoản nợ đến hạn.

Mục đích của lệnh trừng phạt này không phải là khiến cho các ngân hàng Nga đối diện với nguy cơ phá sản, bởi họ vẫn có thể huy động được nguồn vốn ngắn hạn. Nhưng huy động ngắn hạn để bù đắp cho sự thiếu hụt vốn dài hạn sẽ khiến cho chi phí lãi vay cao hơn rất nhiều. Và người dân Nga sẽ là những người gián tiếp lãnh lấy hậu quả.

Tuy nhiên, các động thái này vẫn chưa thực sự đủ mạnh để khiến Putin phải lo lắng. Hãy nhìn vào cơ cấu nợ công của Nga phân chia theo thời gian đáo hạn:

Theo ước tính, các công ty có vốn sở hữu nhà nước của Nga đang có số dư nợ vào khoảng 252 tỷ USD, trong đó chỉ có hơn 11 tỷ USD sẽ đáo hạn từ nay đến hết năm 2014, chưa kể hơn 21 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm 2015. Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn “có thể thu xếp được”. Hãy nhìn vào cơ cấu nợ công của Nga phân chia theo chủ nợ:

Ta có thể thấy, tới hơn 75% dư nợ trong tổng số 252 tỷ USD kia là nợ vay và trái phiếu phát hành trong nước, nghĩa là số dư nợ nước ngoài của Nga chỉ vào khoảng 63 tỷ USD. Đây là con số tương đối lớn, nếu “quy ra hiện vật” thì sẽ mua được khoảng gần 200 chiếc máy bay Boeing 777. Tuy nhiên, để khiến nền kinh tế 2000 tỷ USD của Nga sụp đổ thì vẫn chưa đủ.

Vậy là Putin có cái lý để không sợ

Qua những lý do rất cơ bản trên, rõ ràng Putin có cái lý của mình khi không sợ. Có vẻ như đòn trừng phạt của EU vẫn chưa đủ mạnh. Biết làm sao được, trước khi tấn công đối thủ họ phải tìm cách kéo dài thời gian để tự bảo vệ mình đã.

Đức Nguyễn

ducnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên