MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ với chiến lược mang tên “châu Phi”

16-08-2012 - 12:26 PM | Tài chính quốc tế

Chuyến công du của bà Clinton là cơ hội để Mỹ sắp xếp lại thế cờ kinh tế và ngăn chặn hay ít nhất là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở lục địa đen giàu tài nguyên.

Trong số các nước châu Phi mà Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đặt chân đến, Nam Phi là cái đích được ưu tiên. Hiện tại, Nam Phi là cường quốc kinh tế hàng đầu của châu Phi và nhân tố không thể bỏ qua được trong mối quan hệ quốc tế. 

Nam Phi đang trở thành một đối tác chiến lược của Mỹ và là đối tác kinh tế chính của Washington, với trao đổi thương mại hàng năm đạt 17,8 tỷ euro. Mỹ là đối tác thương mại thứ hai (sau Trung Quốc) và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài thứ ba của Nam Phi, sau Anh và Hà Lan.

Mỹ muốn tận dụng tăng trưởng kinh tế của châu Phi vì các thị trường này, nhất là Nam Phi, có nhiều tiềm năng cho thương mại và đầu tư của Mỹ. Theo báo cáo tháng 5/2012 của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), trong giai đoạn 2004-2008, các nền kinh tế châu Phi tăng trưởng trung bình 6,5%/năm. 

Cho dù cuộc khủng hoảng thế giới khiến tăng trưởng chững lại, chỉ còn 2,7% vào năm 2009, song từ năm 2010 các nước châu Phi hạ Sahara, đã lấy lại được mức tăng trưởng cao hơn 5% (5,4% năm 2010, 5,2% năm 2011). Năm 2012, dự báo mức tăng trưởng có thể cao hơn 5%. Nói cách khác, châu Phi trở thành "Eldorado" đối với các nhà đầu tư và Mỹ không muốn bị mất phần.

Bởi vậy hồi tháng 6 Chính phủ Mỹ công bố chiến lược phát triển mới đối với châu Phi.

Phát biểu trong chặng dừng chân đầu tiên tại Senegal, bà Clinton tiếp tục nhấn mạnh rằng: "chiến lược toàn diện của Chính phủ Mỹ đối với châu Phi dựa trên 4 trụ cột: thúc đẩy cơ hội và phát triển, khuyến khích tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư; tăng cường hòa bình và an ninh. Mỹ cũng sẽ hợp tác với các nước giàu tài nguyên để giúp đảm bảo các nguồn năng lượng và khoáng sản sẽ cải thiện được cuộc sống của người dân. Giai đoạn mà các nhà đầu tư nước ngoài đến và khai thác tài nguyên châu Phi cho họ, không hoặc để lại rất ít đằng sau, nên chấm dứt trong thế kỷ 21".

Mặc dù bà Clinton không nói cụ thể danh tính nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Bắc Kinh coi đó là sự chỉ trích những chính sách châu Phi của Trung Quốc và đã nhanh chóng phản ứng.

Thực tế, kim ngạch thương mại hai chiều châu Phi-Trung Quốc năm 2011 đã đạt 166 tỷ USD, tăng 300% so với năm 2006 và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại châu Phi hiện đạt gần 15 tỷ USD. 

Chính phủ Trung Quốc đang duy trì hơn 150 tham tán và tùy viên thương mại tại các đại sứ quán tại 48 quốc gia châu Phi, trong khi Mỹ hiện chỉ có 5 quan chức đại diện cho Bộ Thương mại tại châu Phi và một trong số 5 người này dự kiến sắp rời đại sứ quán Mỹ tại Ghana. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có 7 chuyến công du châu Phi, đến thăm 17 quốc gia.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi năm 2011 đạt 21,1 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2010. Kim ngạch nhập khẩu cùng kỳ của Mỹ từ châu Phi là 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2010. Tuy vậy, tổng kim ngạch thương mại hai chiều châu Phi-Mỹ năm 2011 chỉ đạt 95,3 tỷ USD, bằng 57% kim ngạch thương mại hai chiều của châu Phi với Trung Quốc. 

Nhưng rõ ràng là Mỹ đang tìm cách cải thiện tình hình, vì theo lưu ý của cơ quan phụ trách các vấn đề châu Phi thuộc Đại diện thương mại Mỹ, "châu Phi đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ như một thị trường đang nổi lên cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Trong giai đoạn 2000-2010, 6/10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới là ở châu Phi".

Về năng lượng, trong năm 2011, dầu thô chiếm khoảng 62% kim ngạch xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc, với số dầu trị giá hơn 24,7 tỷ USD từ Angola, tức 9% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. 

Còn Mỹ, trong thập kỷ qua, các sản phẩm xăng dầu chiếm khoảng 89% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ châu Phi, với 40% lượng dầu xuất khẩu của Nigeria được chuyển về phía Tây sang Mỹ. Nigeria hiện là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 5 của Mỹ, còn Angola đứng thứ 8. Các công ty đang hoạt động tại Nigeria bao gồm Exxon-Mobil, Chevron và ConocoPhillips của Mỹ, cùng công ty dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC). 

Còn các công ty dầu mỏ quốc tế đang hoạt động tại Angola gồm Chevron, ExxonMobil và Occidental Petroleum của Mỹ và Sinopec của Trung Quốc. Sự quan tâm của Mỹ tới dầu thô của châu Phi ngày càng tăng. Dự báo lượng dầu nhập khẩu của Mỹ từ châu Phi sẽ tăng lên 25% trong vòng 3 năm, chủ yếu từ Nigeria và Angola.

Như vậy, trong cuộc cạnh tranh ngầm giữa Bắc Kinh và Washington để tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi, Mỹ nên lưu ý đến những kết quả của Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi lần thứ 5 diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, trong đó nổi bật nhất là khoản viện trợ 20 tỷ USD cho châu Phi.

Theo Thanh Hoa

Thời báo Ngân hàng

huongnt

Trở lên trên