MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng thuế đánh vào thu nhập từ vốn - Lối thoát cho ngân sách Mỹ?

06-12-2012 - 16:47 PM | Tài chính quốc tế

Số tiền tăng thêm nếu áp dụng các chính sách thuế này tương đương với 40% khoản giảm thâm hụt ngân sách mà chính phủ Mỹ đang hướng tới.

Trong gần 6 thập kỷ qua, chính phủ Mỹ đã có cách tiếp cận khá khoan dung trong việc đánh thuế vào lợi nhuận thu được từ chuyển nhượng hoặc đầu tư vốn. Lợi tức thu được từ cổ phiếu cũng như các khoản đầu tư dài hạn chỉ phải chịu mức thuế 15%, thấp hơn nhiều so với mức thuế trung bình 35% đánh vào người có thu nhập cao. 

Sự đối xử khác biệt này gây nên những trường hợp bất thường trên thực tế. Khoản thuế mà tỷ phú Warren Buffett phải nộp là thấp hơn so với khoản thuế của thư ký của ông. Ứng viên tranh cử Tổng thống Mitt Romney cũng chỉ phải chịu mức thuế 14,1% trong khi có thu nhập 13,7 tỷ USD trong năm ngoái.

Trong những năm 1970 và 1980, các nhà nghiên cứu đã xây dựng các mô hình kinh tế cho thấy nếu như tất cả mọi người đều bắt đầu từ tay trắng, kiếm tiền bằng cách làm việc và không để lại gì cho con cháu, mức thuế suất tối ưu đối với khoản thu nhập từ đầu tư là 0%. Logic ở đây là nếu đã đánh thuế vào thu nhập của người lao động, không nên 1 lần nữa đánh thuế vào phần tài sản họ để dành cho tương lai. Làm như vậy sẽ không khuyến khích tiết kiệm. Nền kinh tế thiếu đi những khoản đầu tư vốn cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Sẽ có ít việc làm được tạo ra và cả xã hội nghèo đi.

Tuy nhiên, hãy tưởng tượng ra 1 thế giới khác. Một số người sinh ra trong gia đình giàu có với số tài sản thừa kế lớn đến nỗi họ có thể sống thoải mái mà không cần làm việc. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều sinh ra khá nghèo khổ và không có hoặc có rất ít vốn. Như vậy, nếu chỉ đánh thuế vào thu nhập từ quá trình lao động, sự chênh lệch giàu nghèo sẽ bị thổi phồng và gánh nặng đè lên người nghèo ngày càng lớn. Ngược lại, thuế đánh vào thặng dư vốn sẽ giảm bớt áp lực lên người lao động và phần lớn dân số được hưởng lợi. 

Thế giới thứ 2 có những đặc điểm tương tự như hoàn cảnh của nước Mỹ hiện nay. Theo số liệu từ Cục dự trữ liên bang, tính đến năm 2010, 10% gia đình giàu nhất nước Mỹ chiếm khoảng 75% tổng tài sản ròng trong khi 50% người nghèo nhất chỉ nắm giữ 1%. 

Mức thuế nên là 60%?

Hai nhà nghiên cứu Thomas Piketty (đến từ trường kinh tế Paris) và Emmanuel Saez (đến từ đại học California) đã xây dựng mô hình kinh tế để nghiên cứu xem chính sách đánh thuế như thế nào là hợp lý nhất. Theo đó, nếu như nước Mỹ muốn tất cả người dân giàu có hơn, mức thuế suất tối ưu đánh vào thặng dư vốn (bao gồm tài sản thừa kế, lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập từ đầu tư) nên ở mức 60%. 

Điều này có ý nghĩa gì đối với hệ thống thuế của nước Mỹ? Nếu như bạn cho rằng chính phủ cần tăng thu ngân sách để giảm thâm hụt, đánh thuế vào thặng dư vốn là 1 giải pháp tốt. Mức thuế nên là bao nhiêu? Bất cứ mức nào cao hơn mức hiện tại cũng sẽ đem lại hiệu ứng tích cực. 

Theo tính toán của Văn phòng quản lý và ngân sách Hoa Kỳ, nâng mức thuế đánh vào lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính lên ngang bằng với mức thuế đánh vào thu nhập (35%) có thể đem lại khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Nước Mỹ cũng có thể kiếm thêm 700 tỷ USD nếu như yêu cầu người thừa kế phải trả thuế cho phần giá trị tăng thêm của tài sản so với trước khi họ thừa kế cổ phiếu, bất động sản hay các loại tài sản khác. 

Hơn thế nữa, trong 1 báo cáo gần đây, Vụ khảo cứu quốc hội Hoa Kỳ cũng đã chỉ ra rằng mức thuế đánh vào thặng dư vốn cao hơn có thể giúp các chính phủ giảm thâm hụt ngân sách. 

Tổng thống Obama và các nhà làm luật đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra giải pháp ngăn chặn vách đá tài khóa. Trong khi đó, số tiền tăng thêm nếu áp dụng các chính sách thuế này tương đương với 40% khoản giảm thâm hụt ngân sách mà chính phủ Mỹ đang hướng tới. Phải chăng, đây chính là lối thoát cho nước Mỹ trong bối cảnh vách đá tài khóa đang cận kề. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên