Nasdaq mất hơn 3%, phố Wall "đỏ lửa"
Chứng khoán Mỹ đã có một phiên “lao dốc không phanh” với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất 1 tháng. Chứng khoán toàn cầu cũng chịu chung kịch bản giảm điểm với các nhóm cổ phiếu hàng hóa và công nghệ sinh học bị bán tháo.
Kết thúc phiên hôm qua (28/9), S&P 500 giảm 2,6%, xuống còn 1.881,77 điểm, thấp nhất kể từ ngày 25/8. Chỉ số Dow Jones giảm 1,9%, xuống còn 16.001,89 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 3%. Tổng cộng có khoảng 8,4 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong phiên, cao hơn 15% so với mức trung bình 3 tháng.
Tổng cộng S&P 500 giảm tới 8,8% trong quý III, hướng tới quý giảm mạnh nhất kể từ 2011.
Tất cả 10 nhóm chính của chỉ số này đều giảm điểm, dẫn đầu bởi các nhóm y tế, năng lượng và nguyên vật liệu thô với mức giảm hơn 3,2%. Có tới 8 nhóm giảm ít nhất 1,6%.
Những bằng chứng tiêu cực về kinh tế Trung Quốc mới xuất hiện lại làm dấy lên nỗi lo ngại về đà suy giảm của kinh tế toàn cầu. Theo James Gaul, chuyên gia đến từ công ty tư vấn Boston Advisor, thị trường đang có quá nhiều biến động nhưng xu hướng lại không rõ ràng. “Trong quý này, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ có vai trò quan trọng, xét trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô, những nỗi lo sợ bao trùm thị trường tài chính toàn cầu cũng như những lo lắng về việc Fed có thể tăng lãi suất vào tháng tới”.
Hôm qua Chủ tịch Fed New York William C. Dudley nói rằng Fed “có thể” nâng lãi suất vào cuối năm nay bất chấp những bất ổn của kinh tế thế giới. “Tôi nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ đang diễn biến rất tốt”, Dudley nói. Ông dự báo tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm nhẹ so với đầu năm.
Báo cáo được công bố hôm qua cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình trong tháng 8 tăng mạnh hơn dự báo.
Chỉ số Nasdaq Biotech Index gồm các công ty công nghệ sinh học bước vào thị trường con gấu hôm thứ 6 tuần trước. Tuần trước cũng là tuần tồi tệ nhất của chỉ số này trong 4 năm gần đây. Cổ phiếu của các công ty dược như Mylan, Pfizer và Merck đều giảm ít nhất 2,3%.
Nhóm năng lượng cũng giảm khá mạnh sau khi giá dầu chạm đáy thấp nhất 2 tuần. Số liệu ảm đạm về ngành công nghiệp của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy lực cầu của đất nước tiêu thụ nhiều dầu thô nhất thế giới sẽ yếu đi.
Nhóm tài chính giảm 2,4% trong khi lợi suất Trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức thấp nhất trong 1 tháng. Nhà đầu tư lo ngại lãi suất thấp sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các ngân hàng. Cổ phiếu của Bank of America, Citigroup giảm ít nhất 2,6%. Cổ phiếu của Goldman Sachs và Morgan Stanley giảm hơn 3,4%.