Nếu Mỹ, Nga giao chiến vì Ukraine, chiến tranh sẽ diễn ra như thế nào?
Tạp chí The Week của Mỹ đã có bài bình luận về các kịch bản cho cuộc chiến giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh 2 nước bất đồng vì khủng hoảng Ukraine.
- 15-04-2014Quân Ukraine khai hỏa tấn công, Slavyansk bị vây chặt
- 15-04-2014Obama lại cảnh báo Putin về khủng hoảng Ukraine
- 15-04-2014Toàn cảnh bất ổn ở miền Đông Ukraine
- 14-04-2014Putin sẽ 'giành được' Ukraine mà không tốn viên đạn nào?
Chiến tranh hạt nhân
Mỹ và Nga mỗi bên hiện đang sở hữu hàng ngàn đầu đạn hạt nhân, theo The Week. Theo thống kê hồi đầu năm 2014 do bộ ngoại giao Mỹ công bố, Washington có 448 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đang nhắm về phía Nga.
Tính tổng cộng, Mỹ có khoảng 7.700 đầu đạn hạt nhân, gồm 1.950 đầu đạn sẵn sàng được lắp vào tên lửa ICBM hay triển khai cho tàu ngầm và máy bay. Ngoài ra, Mỹ cũng còn hàng ngàn đầu đạn đang chờ được tháo dỡ, theo thống kê của Liên đoàn Các Nhà khoa học Mỹ (FAS).
Số lượng đầu đạn của Nga có nhỉnh hơn, khoảng 8.500 đầu đạn, nhưng chỉ có 1.800 đầu đạn có thể sử dụng được.
Chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ gây ra sự tàn phá cho cả đôi bên; do đó, hi vọng điều này sẽ ngăn 2 nước giao chiến bằng vũ khí hạt nhân, tạp chí Mỹ bình luận.
Một cuộc chiến thông thường tại Đông Âu
Tàu chiến Nga neo đậu tại căn cứ Hạm đội Hắc Hải ở cảng Sevastopol thuộc Crimea |
Không giống như tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ có được sự hậu thuẫn lớn từ liên quân NATO ở Đông Âu.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra tại Đông Âu, Nga có lợi thế sân nhà, theo The Week. Hải quân Nga đã đồn trú tại Crimea từ rất lâu và Nga nằm sát Ukraine.
Nhưng có một khởi điểm lớn quan trọng cho Mỹ và NATO là liên quân này đã xây dựng được vòng vây bao bọc Nga.
Thống kê cho thấy Mỹ hiện có 598 căn cứ quân sự tại 40 quốc gia trên thế giới, ngoài 4.461 căn cứ trên đất Mỹ, theo The Week.
Cùng với số lượng lớn các căn cứ ở Đức, Mỹ còn có các căn cứ quan trọng ở Qatar và đảo Diego Garcia, nằm ở phía nam nước Nga, cũng như các căn cứ ở Nhật và Hàn Quốc, án ngữ ở phía đông của Nga. Ngoài ra, căn cứ của đồng minh Pháp và Anh thậm chí còn ở sát Nga hơn.
Quan trọng hơn hết, NATO còn có các căn cứ bao bọc vành đai phía tây của Nga và căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ tại biển Đen, sát với nơi đóng quân của Hạm đội Hắc Hải của Nga ở cảng Sevastopol thuộc Crimea.
|
Còn các căn cứ của Nga thì sao? “Họ có một hiện diện tại Cuba, nhưng là một trạm dừng chân, chứ không phải là một căn cứ quân sự”, tờ The Washington Post (Mỹ) dẫn lời Giáo sư Mark Galeotti, một chuyên gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu mảng an ninh Nga thuộc Trường Đại học New York (Mỹ), cho biết.
Ngoài ra, Moscow cũng có một căn cứ hải quân ở cảng Tartus (Syria), nhưng “không có căn cứ quân sự ở nước nào khác ngoài các quốc gia thuộc Liên Xô”, theo Giáo sư Galeotti.
Nga hiện có khoảng 845.000 binh sĩ thường trực và khoảng 2,5 triệu quân dự bị. “Quân đội Nga không thể sánh bằng quân Mỹ, Anh hoặc Đức, nhưng họ đã mạnh hơn so với những năm 1990”, Giáo sư Galeotti đánh giá.
Vị giáo sư này cũng không ấn tượng về Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea. Ông cho rằng các tàu chiến chính của hạm đội này được thiết kế để chống các tàu khác, nên chúng chỉ hữu dụng khi tham gia vào một cuộc chiến trên biển.
Trong khi đó, Mỹ có 1,4 triệu binh lính thường trực và 850.000 quân dự bị, nhưng không thể điều động toàn bộ số quân này tham chiến với Nga, vì vẫn cần phải duy trì quân đồn trú tại 598 căn cứ ở nước ngoài, cũng như cần quân phòng thủ trong nước.
Lực lượng Phản ứng nhanh của NATO (NRF), nhiều khả năng là lực lượng đầu tiên đụng độ với quân đội Nga, hiện có khoảng 13.000 binh sĩ thường trực và hàng ngàn quân dự bị, theo The Week.
Theo phân tích của trang tin Financial Times (Mỹ), nếu Nga có lợi thế trên biển, với Hạm đội Hắc Hải đồn trú sát Ukraine, thì Mỹ chủ yếu mạnh về không quân.
Máy bay Mỹ được trang bị hệ thống radar, tên lửa và thiết bị phục vụ cho chiến tranh điện tử tốt hơn, còn máy bay Nga được đánh giá là vượt trội về năng lực điều khiển, cũng như hệ số lực đẩy trọng lượng, theo nhận định của Financial Times.
|
Trang tin Mỹ cũng dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự uy tín người Nga Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST) bình luận: “Từ thời Liên Xô, chúng tôi đã đi sau không quân Mỹ”.
Vì thua kém này, các nhà hoạch định chiến lược thuộc quân đội Nga đã đầu tư mạnh vào hệ thống phòng không và S-300 và S-400 của Nga hiện là hệ thống phòng không đáng gờm nhất thế giới, theo ông Pukhov.
“Cũng giống như môn đánh bốc. Nếu tay phải bạn yếu, thì bạn cần bổ khuyết bằng một cánh tay trái khỏe mạnh. Các nhà chiến lược Liên Xô đã khắc phục yếu kém về năng lực không quân bằng việc đầu tư lớn vào hệ thống phòng không”, chuyên gia quân sự Nga nói.
Theo xếp hạng của trang web quân sự phi chính phủ Global Firepower, quân đội Mỹ mạnh nhất thế giới và Nga xếp thứ hai.
The Week nhận định chiến tranh giữa Mỹ và Nga có lẽ sẽ khó kết thúc với kết quả hòa, nhưng sẽ là một sự hỗn độn đẫm máu.