Nga bồi thường cho các đại gia bị phương Tây trừng phạt
Hạ viện Nga mới thông qua dự luật sơ bộ nhằm hỗ trợ tài chính cho các cá nhân người Nga bị phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt.
- 23-09-2014Tại sao Nga không 'sợ’ trừng phạt năng lượng?
- 11-09-2014EU đưa ra lệnh trừng phạt, rúp Nga thấp nhất trong lịch sử
Các nhà lập pháp thuộc Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) đã thông qua dự luật bồi thường cho các cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây, với số phiếu ủng hộ 233/202. Theo đó, chính phủ Nga sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho công dân hoặc các công ty của mình có tài sản ở nước ngoài đang bị phong tỏa “trái pháp luật”.
Tòa án Nga cũng có thể nắm giữ tài sản của các quốc gia khác ở trong nước, thường được bảo vệ dưới quyền miễn trừ ngoại giao. Vladimir Ponevezhsky, nghị sĩ Đảng Nước Nga thống nhất, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu: “Dự luật này sẽ cho phép bảo vệ công dân Nga và các cơ quan thực thi pháp luật trong nước”.
Nghị sĩ Alexei Didenko thuộc Đảng Dân chủ Tự do sau đó lên tiếng phản đối. Ông cho rằng không có bất cứ lý do nào để bồi thường cho “những người đang sở hữu du thuyền”, những tỉ phú người Nga, trong khi chính phủ không thể hỗ trợ “cho những đứa trẻ sắp chào đời”, đề cập đến cuộc tranh luận giữa các nhà lập pháp về việc có nên chấm dứt chương trình cung cấp các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho các bà mẹ hay không.
Dự luật được thông qua sau vụ Ý đóng băng khoảng 36 triệu USD tài sản thuộc về tỉ phú Arkady Rotenberg người Nga, bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào “danh sách đen” hồi tháng 7. Dự luật ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía công chúng vì chính phủ tung ra các gói cứu trợ “dành cho nhà giàu” khi suy thoái kinh tế đang gần kề.
Tuy nhiên, tỉ phú Rotenberg với khối tài sản trị giá 2,3 tỉ USD (theo Bloomberg Billionaires Index (Chỉ số Tỉ phú của Bloomberg) có thể không chấp nhận khoản đền bù từ ngân sách nhà nước đối với những thiệt hại mà ông phải gánh chịu. Thêm vào đó, dự luật bồi thường của chính phủ Nga cần 2 cuộc bỏ phiếu trước khi được ký thành luật và có khả năng thay đổi trong quá trình thảo luận.
Theo P.Nghĩa