Nga đưa quân đến Ukraine?
Báo chí Nga và Ukraine ngày 26-2 đưa tin binh sĩ Nga đã có mặt trên bán đảo Crimea - Ukraine để bảo vệ các cơ sở chiến lược.
- 26-02-2014Khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc bị ảnh hưởng
- 25-02-2014Sửng sốt trước biệt thự xa hoa của các quan chức chính phủ Ukraine
- 25-02-2014Chứng khoán Ukraine tăng mạnh nhất từ 2010
- 24-02-2014Cựu Tổng thống Ukraine bỏ chạy bằng trực thăng
- 24-02-2014Nhìn lại cuộc biến động chính trị làm rung chuyển châu Âu ở Ukraine
Theo đó, một đội tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đã chở đến nơi này 11.000 quân có vũ trang. Ngoài ra, 2 xe quân sự mang biển số Nga chở đầy binh sĩ kèm vũ khí đã đến TP Yalta, miền Đông Ukraine, chiều 25-2.
Theo cổng thông tin 73online.ru, cuối tuần trước, một lữ đoàn lực lượng đặc biệt Spetsnaz (Nga) đã được điều động đến Crimea và sẽ ở lại đó cho đến khi Ukraine ổn định hoàn toàn.
Theo báo Vzglyad, cư dân Crimea yêu cầu chính quyền địa phương không công nhận chính quyền mới của Ukraine và đòi khôi phục hiến pháp địa phương 1992, trong đó quy định Crimea có tổng thống và chính sách đối ngoại độc lập.
Tại thành phố cảng Sevastopol hôm 25-2, người ta đã thay thế lá cờ Ukraine bằng cờ Nga trên tòa nhà chính quyền địa phương.Theo hãng tinRIA Novosti, Hội đồng tối cao Crimea sẽ thảo luận tình hình chính trị tại khu vực vào ngày 27-2.
Cùng ngày, lãnh đạo chính quyền thành phố Sevastopol mới được dân bầu Aleksey Chalyi đã kêu gọi những người lính cảnh sát đặc nhiệm Berkut vừa bị chính quyền mới giải tán hãy trở về Sevastopol.
Trong khi đó, ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Quan hệ với các nước cộng hòa Xô viết cũ của Quốc hội Nga - cảnh báo nước này sẽ hành động nếu căng thẳng leo thang ở Crimea và xảy ra nguy cơ an ninh tại căn cứ hải quân của nước này.
Đội tự vệ được thành lập ở TP Simferopol, Crimea. Ảnh: ITAR-TASS
Cờ Nga được treo trên tòa nhà chính quyền TP Sevastopol, Crimea thay cho cờ Ukraine.
Ảnh: ITAR-TASS
Dù vậy, báo Đức Deutsche Welle dẫn lời ông Gerhard Mangott, giáo sư chính trị học của Trường ĐH Insbruk (Áo), nhận định chiến sự sẽ không xảy ra ở Crimea. “Thứ nhất, can thiệp quân sự dẫn đến tổn thất lớn cho quan hệ của Nga với châu Âu và Mỹ. Thứ hai, quân đội Ukraine sẽ ở trong tình trạng có đối kháng nghiêm trọng” - ông nói.
Ngoài ra, ngày 26-2, Quốc hội Ukraine thu thập chữ ký để thành lập chính phủ mới, với 2 ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng là thủ lĩnh đối lập Arsenyi Yatsenyuk và doanh nhân Petr Poroshenko. Tay đấm Vitali Klitschko tuyên bố chạy đua cho chức tổng thống. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng tổ chức bầu cử tổng thống Ukraine vào tháng 5 tới là quá sớm và đi ngược lại thỏa thuận mà chính phủ và phe đối lập đạt được ngày 21-2.
Trong khi đó, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh William Hague ở Washington hôm 25-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Ukraine không phải là nơi Đông và Tây giao chiến, đồng thời kêu gọi mọi quốc gia cùng nhau đem lại sự ổn định cho Ukraine.