MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga sẽ không “bỏ” ông Assad vì giá dầu?

05-02-2015 - 08:12 AM | Tài chính quốc tế

Nỗ lực đẩy Nga ra xa tổng thống Syria của Ả Rập Saudi có thể khiến Mỹ lâm vào tình thế khó xử

Ả Rập Saudi đang sử dụng vị thế thống trị trên thị trường dầu mỏ để gây sức ép lên Nga, buộc nước này từ bỏ sự ủng hộ dành cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các cuộc đàm phán về vấn đề này đã diễn ra bí mật mấy tháng nay nhưng chưa đạt được tiến triển nào đáng kể, theo các quan chức Ả Rập Saudi và Mỹ. Hiện chưa rõ Riyadh gắn kết vấn đề giá dầu với tình hình Syria như thế nào tại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, giới chức Ả Rập Saudi tin rằng khả năng giảm nguồn cung và đẩy giá dầu lên cao trở lại của nước này là một lợi thế đáng kể trong bối cảnh kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn bởi giá dầu xuống thấp. Nếu Moscow chịu giảm bớt hoặc chấm dứt hậu thuẫn cho ông Assad, đây sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự biến động của giá dầu đang tác động đến địa chính trị thế giới.

Ả Rập Saudi cho đến giờ vẫn công khai tuyên bố giá dầu chỉ phản ánh tình hình cung cầu trên thị trường, đồng thời nhấn mạnh sẽ không để các vấn đề chính trị tác động đến đường lối kinh tế của mình. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên chứng tỏ ông không dễ thay đổi chính sách trước sức ép của bên ngoài, thể hiện qua cuộc đối đầu với phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine và nội chiến Syria.

Ngoài ra, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Saud al-Faisal, ở Moscow hồi tháng 11-2014, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phản đối việc để chính trị quốc tế tác động đến giá dầu. Bà Angela E. Stent, chuyên gia về Nga tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ), nhận định với báo The New York Times rằng việc ông Putin “bỏ” ông Assad lúc này là kịch bản rất khó xảy ra.

Mặt khác, nỗ lực nêu trên của Ả Rập Saudi có thể khiến Mỹ lâm vào cảnh khó xử. Về lý thuyết, Washington luôn ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào có thể chấm dứt sự hậu thuẫn của Moscow dành cho ông Assad. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng để giúp đẩy giá dầu lên.

Trong một diễn biến khác, Nga đang có ý định đặt một căn cứ quân sự trên lãnh thổ Cyprus. Ông Stanislav Osadchiy, Đại sứ Nga tại Nicosia, xác nhận 2 nước đang thảo luận về vấn đề này và một thỏa thuận như thế sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades dự kiến thăm Moscow vào cuối tháng 2 này.

Theo Hoàng Phương

PV

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên