Ngân hàng Ba Lan vượt bão khủng hoảng như thế nào?
Một nền kinh tế khỏe mạnh, cách quản lý hiện đại cùng với một chút may mắn là những yếu tố đứng sau sự thành công của các ngân hàng Ba Lan.
- 24-08-2014Ba Lan phục hưng: Thoát khỏi "bóng ma quá khứ"
- 22-08-2014Làm nông nghiệp ở Ba Lan
- 20-08-2014Giàu nghèo ở Ba Lan
- 14-08-2014Cuộc lột xác của ngành công nghiệp Ba Lan
- 12-08-2014Ba Lan: Từ sân chơi thành người chơi chính
- 10-08-2014Thời phục hưng của Ba Lan
Giống như nền kinh tế và chính sách ngoại giao của Ba Lan đã phát triển vượt bậc trong im lặng, hệ thống ngân hàng của nước này cũng trở thành những “ngôi sao” ít được biết đến của châu Âu. Tầng lớp trí thức trẻ tuổi nắm bắt được các công nghệ mới và mang theo tinh thần quốc tế hóa đã tìm ra cách làm cho đồng tiền “sinh sôi nảy nở”. Đồng thời, theo một cách ngẫu nhiên, mô hình kinh doanh mà Ba Lan theo đuổi đã giúp họ có thể tránh xa những “tài sản độc hại” trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Zbigniew Jagiello, ông chủ của PKO BP (ngân hàng lớn nhất Ba Lan), luôn luôn ca ngợi sự phát triển của nền kinh tế bên cạnh các chính sách công rất hợp lý của Ba Lan. Vì một phần ngân hàng của ông được sở hữu bởi nhà nước, ông sẽ có khách hàng tiềm năng là những cổ đông lớn nhất của ngân hàng. Đồng thời, nhà nước cũng được hưởng lợi từ PKO BP: hưởng lợi trực tiếp từ lượng cổ tức ổn định và gián tiếp từ việc không phải cứu trợ cho các ngân hàng trì trệ của các nước châu Âu khác. “Ba Lan không phải là trung tâm của thế giới tài chính hóa ra lại là một vận may đem lại hạnh phúc”, Jagiello nói.
Trong khi đó, hầu hết trong số các ngân hàng còn lại của Ba Lan thuộc sở hữu của các công ty mẹ ở nước ngoài: Bank Pekao có cổ đông lớn là UniCredit (Italy) trong khi Bank Zachodni WBK thuộc về Santander (Tây Ban Nha). Điều này rất có ích trong khủng hoảng bởi các ngân hàng sẽ cấp thanh khoản cho các công ty con ở Ba Lan.
Ví dụ, năm 2013, mBank là một trong số ít các “ngôi sao sáng” của Commerzbank – tập đoàn ngân hàng đến từ nước Đức. mBank nằm trong nhóm những ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ ngân hàng qua điện thoại và rất được hoan nghênh vì nỗ lực số hóa. Ngày 30/7 vừa qua, ngân hàng này ghi nhận quý đầu tiên có doanh thu triệu USD với lợi nhuận ròng đạt 325 triệu zloty (tương đương 107 triệu USD). mBank vẫn đạt được kết quả ấn tượng bất chấp lãi suất thấp ảnh hưởng đến ngành ngân hàng trên toàn thế giới.
Mặc dù vẫn chưa có nhiều cải tiến trong lĩnh vực đầu tư và cho vay, cách thức cung cấp dịch vụ của các ngân hàng Ba Lan rất tân tiến. Do xây dựng hệ thống ngân hàng gần như từ con số 0, Ba Lan chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi những thứ lạc hậu. Alior, một ngân hàng còn non trẻ khác, đang hướng tới khu vực nông thôn chưa hề tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng của Ba Lan (30% dân số ở đây không có tài khoản ngân hàng). Chiến dịch “Kill Bill” của Alior cam kết về dịch vụ thanh toán hóa đơn điện nước miễn phí và rất dễ dàng. Idea, đối thủ cạnh tranh của Alior, sẽ lập tức mời chào khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ ngay sau khi nhanh chóng rà soát các giao dịch gần nhất.
Các chính sách quản lý cũng giúp ích khá nhiều cho các ngân hàng Ba Lan. Họ không cung cấp quá nhiều khoản vay tín chấp như các ngân hàng châu Âu khác và do đó cú sốc khủng hoảng cũng nhỏ hơn. Giống như nhiều nước Trung và Đông Âu khác, nhiều người Ba Lan thường vay mua bất động sản bằng đồng franc Thụy Sĩ và sẽ chứng kiến khoản vay phình to khi đồng zloty mất giá mạnh so với franc. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan quản lý có những yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các khoản vay này, giúp hạn chế những thiệt hại đối với nền kinh tế.
SNL Financial nhận định rằng đồng zloty yếu đi hoặc lãi suất tăng vọt ở Thụy Sĩ là những rủi ro lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng Ba Lan. Tuy nhiên, các số liệu của SNL cũng cho thấy các ngân hàng Ba Lan đang ở trong trạng thái khá khỏe mạnh. Xét theo các tiêu chuẩn quốc tế, các khoản vay đều được hỗ trợ bằng lượng vốn lớn, có nghĩa là các ngân hàng có lá chắn trước một cơn bão cỡ trung. Chi phí cũng nằm trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ ROE năm 2013 ở mức 10,9%.
Thu Hương