Ngân hàng đầu tư (1): Chuyện làm ăn nay đã khác
Tách bộ phận ngân hàng thương mại truyền thống khỏi bộ phận ngân hàng đầu tư không dễ như người ta tưởng
- 01-07-2011Economist công bố phân tích quan trọng về các nền kinh tế mới nổi
- 21-05-2011Economist công bố báo cáo đặc biệt về hệ thống ngân hàng toàn cầu
- 25-05-2011Tái điều tiết: một bước đi nguy hiểm
- 22-05-2011Tái điều tiết: một bước đi nguy hiểm (Phần 1)
Casino của ngân hàng
Trong một tòa nhà thuộc sở hữu của ngành ngân hàng Châu Âu tại Mỹ tràn ngập bàn đặt phỉnh và máy đánh bạc. Casino Cosmopolitan vừa mở cửa hồi tháng 12 năm ngoái tại trung tâm Las Vegas. Đây không phải loại ngân hàng “casino” mà giới chính trị và các cơ quan giám sát căm ghét. Thực tế nó là casino thuộc sở hữu của một ngân hàng vừa mới học được một bài học không mong muốn về sự rủi ro của ngành ngân hàng đầu tư.
Casino này về tay Deutsche Bank không phải nhờ một thương vụ rủi ro nào đó được thực hiện tại bộ phận giao dịch khổng lồ vốn tiến hành tới 1/5 số giao dịch ngoại hối trên toàn thế giới của ngân hàng này. Cũng không phải vì một giao dịch của bộ phận trái phiếu-phái sinh, nơi khách hàng có thể thực hiện hoán đổi lãi suất.
Nó đến từ chính cái bộ phận ngân hàng truyền thống mà các cơ quan giám sát đang khuếch trương, và cái giá Deutsche Bank và các cổ đông của ngân hàng phải trả là 4 tỷ đôla. Ngân hàng đã cho một công ty xây dựng vay 768 triệu đôla và công ty này vỡ nợ năm 2008, đúng lúc Las Vegas đang bị cuốn vào vòng xoáy sụt giá của bất động sản Hoa Kỳ. Bán tống bán tháo thì gần như chẳng thu lại được gì nên Deutsche Bank quyết định chi thêm khoảng 3 tỷ đôla để hoàn thiện dự án.
Bất động sản tuột dốc kéo theo khủng hoảng tài chính bùng nổ là câu chuyện cũng xưa như chính ngành ngân hàng vậy. Tuy vậy, trong lần khủng hoảng này, thua lỗ từ bất động sản để ở được hệ thống tài chính khuếch đại vì chúng đã lan từ sổ sách ngân hàng truyền thống sang sổ sách giao dịch của ngân hàng.
Ngay cả các ngân hàng đã bị lỗ đôi khi cũng không nhận ngay ra được mình đã mất bao nhiêu tiền. Nếu một ngân hàng không thể biết rõ tình hình trên bảng cân đối kế toán của chính mình, thì làm sao họ có thể tin tưởng các ngân hàng khác? Hoảng loạn lan nhanh và cho vay liên ngân hàng đóng băng.
Một trong những nguyên nhân chính là giả thuyết về rủi ro từ bộ phận tự doanh của các ngân hàng lớn, nơi giao dịch được thực hiện không phải thay cho khách hàng mà là của chính ngân hàng. Nếu ngành ngân hàng hiện đại có cái gì đó giống như casino, thì chính là đây.
Khi giao dịch tự doanh tốt, lợi nhuận đem về có thể cực lớn. Khi mọi chuyện xấu đi, kết quả có thể thật thảm hại. “Ông đang nợ tôi 1,2 tỷ [đôla] đấy!”, một giao dịch viên của Deutsche Bank nói trên điện thoại. Từ đây Morgan Stanley dần hiểu ra rằng các giao dịch viên “hàng đầu” của mình đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp mà cuối cùng sẽ khiến ngân hàng mất khoảng 16 tỷ đôla.
Chuyện làm ăn nay phải khác
Để hạn chế tổn thất, các cơ quan giám sát ở nhiều nước trên thế giới tung ra một loạt các biện pháp từ tăng tỷ lệ an toàn vốn, hạn chế rủi ro tới hạn chế lương thưởng cho nhân viên ngân hàng.
Ảnh hưởng đầu tiên sẽ là giảm lợi nhuận. HSBC đã cắt giảm dự báo lợi nhuận trên vốn cổ phần (return on equity, ROE) xuống 12-15%, còn Barclays xuống 13%. Credit Suisse và UBS phấn đấu đạt ít nhất 15%. Chỉ mới vài năm trước, con số này thường xuyên trên 20%, có khi còn cao hơn.
ROE giảm phần nào cũng do hoàn cảnh đã khác. Nếu ngân hàng làm ăn có lãi y như hồi xưa nhưng phải có nhiều vốn cổ phần hơn, thì REO sẽ thấp hơn. Tuy vậy, bên cạnh đó cách sử dụng vốn thay đổi cũng khiến khả năng sinh lời của nhiều bộ phận cùng cách ngân hàng tư duy về rủi ro thay đổi.
Khi vốn dư thừa, ngân hàng có thể kinh doanh ở những mảng cho không thật nhiều lợi nhuận nhưng có thể cho lợi suất đáng kể nếu dùng đòn bẩy. Nay vốn hạn chế nên ngân hàng chỉ dồn cho những mảng có khả năng sinh lời cao nhất.
Bộ phận bị tác động nhiều nhất là sản phẩm có thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa (còn được gọi là FICC). Nhà phân tích Brad Hitz từ Bernstein Research, New York, viết trong một báo cáo rằng các tiêu chuẩn mới về vốn có thể làm giảm một nửa khả năng sinh lời của bộ phận giao dịch và môi giới tại các ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ và khiến doanh thu không còn bù đắp nổi chi phí vốn.
Đó là một cách khéo léo để khuyên cổ đông ngân hàng đầu tư tiền vào chỗ khác. Ở Châu Âu, các ngân hàng đầu tư như Barclays Capital và Deutsche Bank sẽ rất vất vả mới kiếm đủ tiền để duy trì bộ phận giao dịch được như hiện nay.
Ở Thụy Sỹ, vốn còn khan hiếm hơn. Nguyên nhân chính là vì NHTW Thụy Sỹ. Cơ quan này quyết tâm chặn bước tiến của hai người khổng lồ Credit Suisse và UBS, hai ngân hàng đang sở hữu hai trong số những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới. Với một quốc gia có dân số chưa tới 8 triệu người, hai ngân hàng này không chỉ “quá lớn để đổ vỡ”, mà còn “quá lớn để cứu trợ”.
Hai ngân hàng đã được yêu cầu tăng dự trữ vốn lên 19%, gấp đôi so với con số có lẽ sắp được áp dụng đối với các ngân hàng lớn tại các thủ đô tài chính toàn cầu. Điều đó sẽ buộc hai ngân hàng Thụy Sỹ cùng rút khỏi mảng ngân hàng đầu tư. “Họ không cần phải là số một trên thị trường vốn,” một quan chức Thụy Sỹ nói. “Với họ ngân hàng cá nhân là đủ rồi.”
Thụy Sỹ là quốc gia mạnh tay tăng các yêu cầu về vốn nhất, và do đó có lẽ các ngân hàng lớn nước này cũng sẽ thu hẹp hoạt động nhiều nhất. Vấn đề chỉ là họ sẽ thu hẹp đến đâu.
Thiếu vốn đang khiến ngân hàng khắp mọi nơi tập trung vào các mảng ít sử dụng đến vốn, ví dụ như giao dịch ngoại hối vốn không có nhiều rủi ro, nhà tư vấn Jason Napier tại Deutsche Bank nói.
Nhiều ngân hàng cũng đang tập trung vào các hoạt động có thu phí, như giúp các khách hàng doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu, tư vấn các vụ thôn tính hay theo dõi khoản đầu tư của các khách hàng giàu có. Các chiến lược này không mới, nhưng nay chúng được thực thi nghiêm túc hơn so với trước.
Minh Tuấn
Theo Economist