Ngân hàng Thụy Sĩ trước sức ép cải cách
Các ngân hàng Thụy Sĩ đang phải vật lộn tìm ra những hướng đi mới đảm bảo tiếp tục là ngành trụ cột cho sức mạnh kinh tế của quốc gia được mệnh danh là "thiên đường tài chính" này.
Sức ép gia tăng
Ngay sau khi chính phủ Thụy Sĩ quyết định sẽ đàm phán với các nước đối tác chương trình trao đổi tự động thông tin tài khoản với khả năng cơ chế bảo mật ngân hàng nghiêm ngặt ở Thụy Sĩ bị dỡ bỏ vào năm 2018, Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ cuối tuần qua đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Thụy Sĩ năm 2014 từ 2% xuống 1,8%. SECO cũng đã giảm dự đoán tăng trưởng năm 2015 xuống 2,4%, so với ước tính 2,6% được đưa ra hồi đầu năm.
Không riêng gì SECO, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ SNB, và một loạt ngân hàng khác như BAK Basel và Credit Suisse đều điều chỉnh giảm bớt những cơ hội và hy vọng cho tăng trưởng kinh tế Thụy Sĩ.
Truyền thống bảo đảm bí mật cho khách hàng của các ngân hàng Thụy Sĩ đã bị lên án mạnh mẽ cùng với những hành vi "trợ giúp" các khách hàng nước ngoài gian lận thuế và cất giấu tiền. Bên cạnh đó, một số đại gia ngân hàng, trong đó có ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS cũng bị cáo buộc cấu kết nhằm thao túng tỷ giá hối đoái trong giao dịch ngoại tệ.
Các mức phạt có chiều hướng gia tăng tạo gánh nặng cho một loạt ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ, dẫn đến dự đoán sẽ có một làn sóng các ngân hàng buộc phải đóng cửa, hoặc sáp nhập hay thâu tóm lẫn nhau. Trong năm 2013, số lượng các ngân hàng làm ăn thua lỗ tại Thụy Sĩ lên tới 34 ngân hàng, tăng gần 50% so với một năm trước đây. Lĩnh vực ngân hàng Thụy Sĩ rất có thể sẽ bị thu hẹp đến 30%.
Luật bí mật tài chính bị đổ vỡ ở Thụy Sĩ còn dẫn tới làn sóng các triệu phú và tỷ phú muốn tránh bị đánh thuế thu nhập cao rút khỏi Thụy Sĩ. Jean Claude Caputo, giám đốc quản lý công ty môi giới chi nhánh Riviera French của Savills Plc (SVS), nhận xét Thụy Sĩ đang trở nên kém hấp dẫn đối khiến nhiều khách hàng có thu nhập cao, đặc biệt là những người đang có nhu cầu mua nhà mới.
Vì một loạt lý do như các vấn đề an toàn, tinh tế, môi trường và tài chính, các khách hàng siêu giàu đang muốn di cư từ Thụy Sĩ để thâm nhập vào Monaco. Đây là lý do tại sao giá trung bình của căn nhà với ít nhất 5 phòng ngủ trở lên ở Monaco đã tăng 24% so với năm ngoái, trong khi giá chào bán cho ngôi nhà sang trọng ở Geneva đã giảm trung bình khoảng 30% trong 12 tháng qua.
Theo ước tính của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), từ năm 2008-2014, có tới 350 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 380 tỷ USD) đã được giới nhà giàu rút khỏi các ngân hàng tư nhân tại Geneva và Zurich của nước này.
Khủng hoảng tài chính, những bê bối trong ngành ngân hàng thế giới cùng với thỏa thuận tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA) có hiệu lực vào đầu tháng Bảy càng đòi hỏi một môi trường quy định toàn cầu chặt chẽ và minh bạch hơn.
Nỗ lực cải cách
Khi ưu thế nổi trội không còn, ngành ngân hàng Thụy Sĩ chỉ có sự lựa chọn: đó là phải nỗ lực cải cách để tạo hiệu quả hoạt động trong khi vẫn tuân thủ đúng quy định của luật pháp. Chuyển hướng từ tích trữ tài sản sang tư vấn và quản lý đầu tư; từ "nhập khẩu khách hàng" sang "xuất khẩu dịch vụ" để tìm kiếm khách hàng mới. Các thị trường được các ngân hàng Thụy Sĩ nhắm đến chính là châu Á và Hoa Kỳ - nơi đã và đang có nhiều triệu phú và tỷ phú nhất trên thế giới, hứa hẹn sự giàu có mới tạo ra tốc độ tăng trưởng bùng nổ.
Nước Mỹ vẫn duy trì vị trí số 1 thế giới về nước có số lượng tỷ phú nhiều nhất với 571 người. Tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy sự giàu có trong khu vực châu Á với số lượng tỷ phú mới xuất hiện ở châu Á nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác trong 12 tháng qua, chiếm 1/3 trong tổng số 12% tài sản tăng thêm của các tỷ phú toàn cầu.
Số lượng các tổ chức tài chính-ngân hàng Thụy Sĩ trở lại Mỹ gần đây đã tăng vọt, từ chỗ chỉ có 4 tổ chức được thành lập vào năm 2007 đã tăng lên con số 34 vào năm 2013. Tài sản thuộc quyền quản lý của những ngân hàng này đang gia tăng một cách ngoạn mục. UBS có số tài sản thuộc quyền quản lý đã tăng 41% trong vòng 5 năm qua.
UBS - Swiss Financial Advisors (UBS-SFA), chi nhánh của ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ này, đang hướng mục tiêu tới thị trường Mỹ cùng với việc cổ vũ minh bạch hóa, khuyến khích các khách hàng khai báo toàn bộ tài sản. Kể từ khi thành lập năm 2004, UBS-SFA duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm.
Số lượng lớn tiền gửi của các công dân Mỹ ở Thụy Sĩ chính là động lực thúc đẩy các tổ chức tín dụng trở lại thị trường Mỹ, cho dù một số ngân hàng vẫn còn chưa giải quyết được tất cả các tranh chấp pháp lý với chính quyền Mỹ.
Bên cạnh đó là cuộc đổ bộ vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương của các ngân hàng Thụy Sĩ. Kể từ năm 2009, UBS đã cắt giảm 11% số lượng nhân viên tại Thụy Sĩ, trong khi tăng 7,4% nhân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. UBS đã thuê 88 chuyên gia tư vấn trong năm nay để phục vụ những khách hàng châu Á giàu có.
Số lượng các chuyên gia tư vấn khách hàng ở châu Á đã tăng lên 1.120 - số lượng nhiều nhất kể từ khi ngân hàng bắt đầu hoạt động trong khu vực. Một phần thành công của UBS là nhờ mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ khi là ngân hàng đầu tiên đến Singapore. Tương tự, Credit Suisse cũng cắt giảm 15% số lượng giám đốc quan hệ khách hàng tại Thụy Sĩ và tăng khoảng 30% tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2013, UBS giữ vị trí là ngân hàng quản lý tài sản lớn nhất châu Á với số tài sản thuộc quyền quản lý đã tăng thêm 14% so với năm 2012 lên 245 tỷ USD. Còn ngân hàng lớn thứ hai Credit Suisse của Thụy Sĩ đứng ở vị trí thứ ba. Trong số các ngân hàng tư nhân khác của Thụy Sĩ, ngân hàng Julius Baer xếp hạng thứ sáu và còn Pictet đứng thứ 14.
Tin tưởng tương lai
Trong 20 năm qua, khu vực tài chính ngân hàng liên tục đóng góp một phần đáng kể vào sản lượng kinh tế Thụy Sĩ. Năm 2013, khu vực này đã đóng góp 64 tỷ franc, nghĩa là cứ 9 franc đóng góp cho GDP là có 1 franc của ngành này. Bên cạnh đó, ngành này đã sử dụng khoảng 246.000 người, tương ứng với 5% tổng số lao động của Thụy Sĩ.
Trong giai đoạn ngắn hạn, ngành tài chính - ngân hàng bị hạn chế do quá trình tái cơ cấu và tổ chức lại hoạt động. Sự phát triển của ngành này phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế, song việc giá trị gia tăng của các ngân hàng cũng bị phụ thuộc vào sự mở rộng của nền kinh tế nói chung, đặc biệt là do tác động của nhu cầu trong nước.
Hiện tại, nền kinh tế Thụy Sĩ phải đối mặt với khá nhiều rủi ro tiềm ẩn, xuất phát từ triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa của khu vực đồng euro, trong đó có cả nền kinh tế đầu tàu là Đức. Bên cạnh đó, những xung đột chính trị (cuộc khủng hoảng Ukraine và những bất ổn ở các nước Ảrập) dẫn đến các điều kiện kinh doanh giảm sút, trong bối cảnh khu vực châu Âu vẫn còn loay hoay tìm cách giải quyết được các vấn đề về cấu trúc.
Những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu vẫn chưa giải tỏa khi mà các cách thức giải quyết, ngay cả công cụ chính sách tiền tệ nới lỏng được sử dụng gần đây của khu vực đồng euro, đều có tác dụng phụ cùng với nhiều nguy cơ. Hơn nữa, Thụy Sĩ còn phải đối mặt thêm một số nguy cơ đặc thù. Các sáng kiến chính trị như Sáng kiến Nhập cư, tình hình căng thẳng trên thị trường bất động sản và những hậu quả khó có thể dự đoán khi tăng cường thực hiện thêm các yêu cầu minh bạch hóa, những đòi hỏi tăng thuế dẫn đến những rủi ro tiêu cực cho khu vực tài chính của Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, về lâu dài ngành tài chính- ngân hàng Thụy Sĩ vẫn đảm bảo sự phát triển bền vững với ý nghĩa là một ngành xương sống của Thụy Sĩ. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ, tiềm năng về giá trị gia tăng trong tăng trưởng dài hạn của ngành tài chính vẫn khoảng 2% trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2024.
Mặc dù khó có thể trở lại mức tăng trưởng như thời điểm thập niên 1990 hay trước giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, song tốc độ tăng trưởng của ngành tài chính nhìn chung vẫn nhỉnh hơn một chút so với tăng trưởng kinh tế chung của Thụy Sĩ.
Các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ phải chấp nhận sự thay đổi lớn, sẵn sàng vượt khó để tiếp tục đi lên nhằm duy trì danh tiếng toàn cầu nhờ hiệu quả kinh doanh được xác định bởi các yếu tố như nguồn vốn, sự ổn định và nhân tố con người.
Theo Tố Uyên