MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng trong bóng tối có lợi hay có hại?

02-10-2014 - 09:13 AM | Tài chính quốc tế

“Vứt” các ngân hàng vào một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn sẽ buộc các ngân hàng phải cải thiện dịch vụ và cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi.

“Trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với những đối thủ cứng đầu”, Jamie Dimon - ông chủ của JPMorgan Chase (ngân hàng lớn thứ hai thế giới xét theo giá trị vốn hóa) – đã nói như vậy trong lá thư gửi tới cổ đông hồi đầu năm nay. Cũng theo ông, ngân hàng trong bóng tối là một trong những đối thủ đáng gờm nhất:

“Thực sự chúng ta không nên gọi họ là “ngân hàng trong bóng tối”. Họ không hoạt động trong bóng tối. Họ là những đối thủ hoạt động trong ngành tài chính nhưng không đến từ mảng ngân hàng. Đối thủ này rất đa dạng: từ các quỹ thị trường tài tệ và công ty quản lý tài sản, tới các quỹ tín thác đầu tư vào bất động sản thế chấp và các nhà cung cấp dịch vụ thế chấp hay những trung tâm thanh toán và PayPal. Rất nhiều trong số các định chế này đủ thông minh và có cơ chế hoạt động tinh vi phức tạp để hưởng lợi khi các ngân hàng rút khỏi một số sản phẩm và dịch vụ. Họ sẽ soi xét từng sản phẩm của chúng ta để đưa ra mức giá cạnh tranh”.

Dĩ nhiên, Dimon vẫn phải tin tưởng rằng JPMorgan Chase sẽ tiếp tục là một định chế lớn và thành công. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ngân hàng này đang hoạt động trong một môi trường biến đổi từng ngày, nơi những biên giới đang bị xóa nhòa và các ngân hàng (với những yêu cầu về vốn ngày càng khắt khe) không còn nắm chắc lợi thế so với các đối thủ. Thậm chí, Dimon chỉ ra một số hoạt động mà ông nghĩ rằng các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì, như cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, giữ lượng lớn tiền gửi của một vài doanh nghiệp chỉ trong một thời gian ngắn và giao dịch chứng khoán phái sinh. “Chúng ta không làm gì sai trái. Đó là một điều hoàn toàn tự nhiên và trong một số trường hợp điều này có lợi cho khách hàng bởi họ nhận được mức giá tốt hơn”.

Tuy nhiên, không chỉ có khách hàng hưởng lợi. Các cơ quan quản lý đang khuyến khích một số loại hình ngân hàng trong bóng tối phát triển, không phải với mục đích giảm giá các dịch vụ tài chính mà là để hệ thống tài chính trở nên an toàn hơn. Với ngân hàng trong bóng tối, sẽ có nhiều người cho vay hơn, giảm xác suất các vụ vỡ nợ khiến cả hệ thống tài chính chao đảo và xa hơn là một cuộc khủng hoảng niềm tin. 

Dẫu vậy, kế hoạch này có thành công hay không còn phục thuộc vào khả năng ngăn chặn sự hình thành của những ngân hàng trong bóng tối gây tổn hại cho hệ thống tài chính. Các ngân hàng này không nên cho vay dài hạn dựa trên tiền gửi ngắn hạn, cũng như không nên vay quá nhiều tiền từ các ngân hàng có ảnh hưởng quá lớn đến hệ thống ngân hàng.
 
Một điều đáng chú ý khác là ngân hàng trong bóng tối không thể giảm rủi ro vỡ nợ đối với các khoản vay cá nhân mà chỉ chuyển lỗ đến các phần khác của hệ thống tài chính. Nói cách khác, nhà đầu tư sẽ phải chịu lỗ, kể cả khi cả hệ thống vẫn hoạt động. 

Xét về khía cạnh này, cả Trung Quốc và phương Tây đều đang khiến giới quan sát lo lắng. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro mà ngân hàng trong bóng tối có thể gây ra đối với hệ thống tài chính Trung Quốc, trong khi kinh nghiệm ở các nước phương Tây trong khủng hoảng cũng cho thấy điều tương tự. Dù trên giấy tờ, các chính phủ chỉ bảo lãnh cho các khoản tiền gửi nhỏ lẻ với một giới hạn nhất định, họ vẫn giải cứu các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty ô tô và cả các quỹ thị trường tiền tệ. 

“Vứt” các ngân hàng vào một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn có thể giúp khách hàng có lợi, buộc các ngân hàng phải cải thiện dịch vụ và cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi. 

Nếu trong cuộc khủng hoảng tiếp theo, phần lỗ lại được chuyển cho những người đã nghỉ hưu hay người thụ hưởng trong một các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, liệu các cơ quan chức năng có thể chỉ nhún vai? Nếu tin tặc cuỗm sạch số tiền tích lũy cả đời của các chủ thẻ, cơ quan quản lý sẽ làm gì? Nếu thị trường trái phiếu và chứng khoán phái sinh chao đảo, các NHTW có nghĩa vụ cung cấp thanh khoản hay không? Các chính trị gia và cử tri sẽ phải quyết định điều này, tốt nhất là trước khi một cuộc khủng hoảng khác nổ ra.

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên