MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý của thị trường lao động thời cách mạng kỹ thuật số

12-10-2014 - 15:53 PM | Tài chính quốc tế

Cách mạng công nghệ đem đến những thay đổi lớn lao cho thị trường lao động ở cả nước giàu và nước nghèo.

Thời điểm tốt nhất để đánh giá ý nghĩa của các cuộc cách mạng công nghệ là một thời gian rất lâu sau đó. Những phát minh vĩ đại của thế kỷ 19, từ điện năng cho tới động cơ đốt trong, đã biến đổi hoàn toàn đời sống của con người. Tuy nhiên, đối với các công nhân sống qua thời kỳ này, những điều mà họ đã trải qua trong thời kỳ công nghiệp hóa khá khắc nghiệt bởi phải làm những công việc cực nhọc trong những thành phố quá đông đúc và có thể bị bệnh tật đe dọa.

Cuộc cách mạng công nghệ hiện đại - với cột mốc đánh dấu là sự ra đời của máy tính, sự kết nối và đồng hóa dữ liệu - đã mang đến điện thoại iPhone và internet thay vì những căn nhà tập thể đông đúc và bệnh dịch. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này khiến thị trường lao động biến đổi và bị chia tách với tốc độ chưa từng thấy trong hơn 1 thế kỷ. Người ta có thể tạo ra lượng lớn của cải mà không cần đến quá nhiều lao động mà chỉ cần một nhóm những người tinh hoa. Đồng thời, không còn có thể đảm bảo chắc chắn lao động sẽ làm tăng thu nhập.

Máy tính có thể làm công việc của bạn và "ăn mất bữa trưa của bạn" 

Ở thời điểm hiện tại, lao động có trình độ thấp và trung bình ở các nước giàu đang cảm nhận rõ nhất điều này. Thu nhập của bộ phận lao động có trình độ cao - những người sử dụng máy tính thành tạo - tăng lên đáng kể trong khi thu nhập của những bộ phận ở các trình độ thấp hơn hầu như không tăng kể từ năm 2000 đến nay. Ở các nước như Đức và Anh, tăng trưởng tiền lương trì trệ nhất.

Trong các năm sắp tới, hiện tượng này sẽ lan rộng hơn vì 3 lý do. Thứ nhất, sự trỗi dậy của các cỗ máy thông minh có nghĩa là có thêm nhiều lao động chứng kiến công việc của họ bị đe dọa. Các nấc thang cao hơn của thị trường lao động như kiểm toán viên hay nhà nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực sẽ bắt đầu phải cạnh tranh với máy móc. Công nghệ cho phép một số bác sĩ và giáo sư làm việc năng suất hơn, khiến một số người mất việc.

Thứ hai, trong thời đại số, các doanh nhân có thể biến ý tưởng của họ thành các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa khổng lồ nhưng hầu như không có nhân viên. Ví dụ, hãng sản xuất thiết bị thực ảo Oculus VR  chỉ có 75 nhân viên nhưng được Facebook mua lại với giá 2 tỷ USD. Với số nhân viên chưa tới 50.000 người, những gã khổng lồ trong ngành công nghệ như Google và .Facebook có quy mô rất nhỏ so với những "ông trùm công nghiệp" của thế kỷ 20. 

Thứ ba, hiện tượng này đã xuất hiện ở các nền kinh tế mới nổi. Foxconn - công ty lâu nay vẫn là biểu tượng của nền kinh tế tập trung vào sản xuất của Trung Quốc - hiện đang có khoảng 1,5 triệu lao động sản xuất linh kiện điện tử cho các hãng phương Tây. Tuy nhiên, giờ đây với chi phí lao động tăng lên, Foxconn đang dần thay thế công nhân bằng các robot. Tương lai của Trung Quốc giờ đây là Alibaba thay vì những công xưởng của thế giới. Công ty thương mại điện tử của tỷ phú Jack Ma vừa niêm yết trên sàn chứng khoán New York chỉ có 20.000 nhân viên. 

Cuộc cách mạng công nghệ dường như cũng đang khiến các nước nghèo phải thay đổi con đường theo đuổi tăng trưởng truyền thống. Mang những lao động có trình độ thấp ở nông thôn đến các nhà máy đã trở thành công việc khó khăn. Ví dụ, nếu Ấn Độ muốn đi theo mô hình phát triển của Trung Quốc, quốc gia này cần đến các kỹ sư lành nghề và những người quản lý xây nhà máy để tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân. Tuy nhiên, nhờ vào công nghệ, giới tinh hoa nước này có được mức lương rất cao khi bán các sản phẩm IT cho nước ngoài. 

Lấp đầy lỗ hổng 

Các bộ phim khoa học viễn tưởng thường vẽ ra tương lai con người bị máy móc và công nghệ chi phối. Tuy nhiên, The Economist cho rằng viễn cảnh ấy còn lâu mới xảy ra, thậm chí công nghệ chỉ giúp cuộc sống của con người dễ dàng và tốt đẹp hơn. Công nghệ thông tin giúp cuộc sống của hàng tỷ người tốt đẹp hơn theo những cách mà các thước đo về thu nhập thông thường không thể phản ánh được. 

Cách con người giao tiếp và giải trí hay các kiến thức mà con người thu thập được gần như là miễn phí. Dù công việc bị đe dọa, sẽ chẳng có người lao động nào muốn quay trở lại thời kỳ không có internet, điện thoại thông minh hay Facebook. Công nghệ cũng đem đến những cách kiếm tiền hoàn toàn mới. Etsy, chợ ảo dành cho các thợ thủ công, cho phép họ bán sản phẩm ra khắp thế giới. Uber - hãng taxi đang tạo nên bước đột phá trong ngành kinh doanh taxi - cho phép hàng chục nghìn tài xế làm việc bất cứ khi nào họ muốn mà không bị gò bó về thời gian như mô hình kinh doanh truyền thống. 

Dẫu vậy, hố sâu ngăn cách giữa người có trình độ cao và bộ phận lao động phổ thông vẫn là điều đáng lo ngại. Các cử tri giận dữ khi lương của họ gần như không tăng. Ở các nước nghèo, những "đội quân" người lao động thất vọng vì phải làm những công việc thấp hơn trình độ của họ là nguồn gây phân cực và bất ổn xã hội. 

Trên toàn cầu, chính phủ các nước đang rất cố gắng tìm giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, câu trả lời không phải là một chính phủ to hơn hay các quy định luật lệ. Mức lương tối thiểu tăng lên chỉ khiến có nhiều hơn lao động bị thay thế bằng máy móc. Tăng thuế khiến doanh nghiệp sợ hãi. Điều tốt nhất mà các chính phủ có thể làm là tăng sản lượng và giúp các lao động có trình độ thấp được tuyển nhiều hơn. Điều này có nghĩa là loại bỏ những quy tắc không khuyến khích tăng thuê nhân công như các chính sách bảo hộ; triển khai chính sách nhà ở tốt hơn và đầu tư nhiều hơn vào giao thông. Hệ thống giáo dục cũng cần được cải cách, không chỉ hướng tới những người trẻ mà ngày nay, con người phải học tập cả đời để luôn cập nhật những thay đổi của công nghệ. 

Mặc dù các chính phủ có thể phòng tránh vấn đề, họ không thể giải quyết triệt để. Vì công nghệ ngày càng tiến bộ vượt bậc và ảnh hưởng nhiều hơn tới thị trường lao động, sẽ ngày càng có nhiều công nhân chỉ được tuyển dụng ở những công việc có thu nhập thấp hơn. Khoảng trống đó phải được bù đắp bằng tăng thuế hoặc nâng trợ cấp lương. Các chính phủ có thể tăng thuế không chỉ bằng cách tăng thuế suất mà còn bằng cách "đóng cửa" các lỗ hổng mà qua đó các doanh nghiệp có thể trốn thuế. 

Ở thế kỷ 19, điều tốt nhất mà các chính phủ đã làm được là đầu tư vào giáo dục để giúp người lao động hưởng lợi từ cách mạng công nghiệp. Trong cuộc cách mạng số ngày nay, các chính phủ cần phản ứng nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên