MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân Nga lao đao vì đồng rúp

27-12-2014 - 17:04 PM | Tài chính quốc tế

“Cứ thế này thì tôi sẽ không thể mua nổi một chiếc áo khoác mới, chiếc điện thoại thông minh trị giá 50 USD hay cả đồ trang sức nữa”.

Là một trong số 144 triệu khách hàng Nga của các công ty từ Apple tới Renault, Giáo sư Đại học Elena Grekhnyova cho biết cô đang cảm nhận được sức ép của khủng hoảng đồng rúp. Hiện nay, cô đang phải trả 1.200 rúp cho các sản phẩm sữa, trứng, thịt gia cầm và rau quả cho bữa ăn gia đình trong vài ngày, tăng 20% so với chỉ vài tuần trước đó.

“Thật không thể tin nổi –khi nào đồng rúp mới ngừng mất giá?” – Grekhnyova ca thán về tình hình hiện tại. “Cứ thế này thì tôi sẽ không thể mua nổi một chiếc áo khoác mới, chiếc điện thoại thông minh trị giá 50 USD hay cả đồ trang sức nữa”- cô cho biết.

Nỗi thất vọng của cô Grekhnyova phản ánh những thách thức mà các công ty nước ngoài tại Nga đang phải đối mặt, sau khi nỗi lo ngại về tình hình tài chính dẫn đến sự xuống giá tới mức kỷ lục của đồng rúp. 

Nhằm bù đắp doanh thu sụt giảm do đồng rúp mất giá, các doanh nghiệp tại Nga đang tìm cách tăng giá bán. Mặc dù chưa có công ty nào có dấu hiệu rút đầu tư khỏi Nga, vào ngày 16/12 vừa qua, Apple đã tạm dừng bán hàng trực tuyến, chỉ 3 tuần sau khi tăng giá iphone 6 ở mức 25%, lên 39.990 rúp. Giá bán này thậm chí đã giảm mạnh, từ tương đương 847 USD xuống còn 585 USD.

Tương tự Apple, các công ty khác ở Nga cũng đang nỗ lực đối phó với khủng hoảng đồng rúp. Ngày 3/12, Mc Donald đã tăng giá bán lẻ khẩu phần Big Mac lên 2,2%, tới 94 rúp, để cứu vãn sự sụt giảm giá bán từ tương đương 1,77 USD xuống còn 1,35 USD trong những ngày đầu. Kể từ giữa tháng 11, Renault đã nâng giá xe ô tô mang thương hiệu hãng này tại thị trường Nga lên 8%.

Trì hoãn đầu tư

Hiện nay, nhiều người dân Nga đang ráo riết tích trữ hàng tiêu dùng đề phòng giá cả leo thang. “Tôi lo ngại rằng người Nga đang rơi vào một vực thẳm” – cô Elena Novgorodova, 36 tuổi, giám đốc một công ty kinh doanh hóa chất tại Matxcơva nói. “Dường như không gì có thể ngăn cản đồng rúp lao xuống đáy như hiện tượng đã xảy ra năm 1998. Tôi đang đẩy mạnh tiêu dùng trước khi đồng tiền mất giá”. 

Hơn một tuần gần đây, cô Novgorodova đã tích trữ khoảng 30 kg thịt gia cầm, thịt bò và thịt lợn, 10 thùng hạt kiều mạch và lúa gạo, quần áo và cả những đôi giày Ecco trị giá 3.500 rúp cho con gái. Cô cũng tích cực mua sắm mỹ phẩm, có thể kể đến hai chai nước hoa Chanel trị giá 5.000 rúp mỗi chai và nhiều thỏi son môi Yves Rocher trị giá 700 rúp.

Tình hình này có khả năng diễn biến xấu - bà Sarah Boumphrey, Phụ trách về chiến lược, kinh tế và nhu cầu khách hàng của công ty nghiên cứu Euronitor International (London) nhận xét. Người tiêu dùng sẽ buộc phải đưa ra những quyết định mua sắm không dễ dàng khi giá cả hàng hóa tiếp tục tăng nhanh. Bà Boumphrey cho rằng, các kế hoạch đầu tư sẽ bị trì hoãn trong thời gian tới, dù Nga là một thị trường lớn.

Thực tế từ việc nhà bán lẻ lớn nhất nước Đức, Metro AG đình chỉ vô thời hạn thời điểm lên sàn chứng khoán của một chuỗi bán lẻ tại Nga đã cho thấy điều đó. “Đây không phải là thời điểm lên sàn chứng khoán. Chúng tôi không hủy bỏ kế hoạch này, tuy nhiên sẽ dừng lại trong tương lai gần” - CEO Olaf Koch của Metro AG tuyên bố hôm 16/12.

Mới đây, đồng rúp được ghi nhận chạm mức thấp 80 rúp ăn 1 USD, trước khi hồi phục trở lại từ tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev phủ nhận việc Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế người dân đổi rúp lấy đô la Mỹ.

Tăng giá bán hàng hóa

Cùng với Apple (trụ sở tại Cupertino, California) và Mc Donald (trụ sở tại Oak Brook, Illinois); nhiều doanh nghiệp đang thực hiện điều chỉnh giá bán hàng. Công ty mỹ phẩm của Luxembourg, Oriflame Cosmetics SA mới đây ra tuyên bố sẽ “đẩy nhanh tốc độ và mức độ tăng giá” hàng hóa cung cấp tại Nga trong năm tới. 

Geely Automobile Holdings Ltd. (175) - hãng sản xuất ô tô của Trung Quốc hiện đã bắt đầu tăng giá bán lẻ ô tô tại Nga. Hãng này cho biết lợi nhuận năm nay sụt giảm 50% so với năm ngoái do sự mất giá của đồng rúp và sụt giảm doanh số, dẫn tới giá cổ phiếu trên sàn giao dịch Hồng Kong giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2012 tới nay. 

Công ty PepsiCo Inc cũng áp dụng biện pháp tăng giá bán tại Nga – thị trường mà theo CEO Indra Nooyi đánh giá là nơi ưa chuộng các sản phẩm sữa, nước trái cây và sản phẩm tương tự. Như vậy, nước ngọt có ga được coi là đồ uống cơ bản với người tiêu dùng tại thị trường này.
Giáo sư Grekhnyova nhận xét về biến động của đồng rúp. “Khi đồng rúp liên tục mất giá, tôi và các đồng nghiệp chỉ biết quan sát tình hình. Đồng lương của chúng tôi liệu sẽ bị ảnh hưởng ra sao trong năm tới?”

Thu hẹp mặt bằng kinh doanh

Trong một diễn biến khác, các công ty đang ngừng mở rộng hoặc thu hẹp mặt bằng kinh doanh tại nước này. Inditex SA (ITX), hãng bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới, đã đóng cửa hàng Zara tại khu vực bán lẻ đường phố Tverskaya ở thủ đô Matxcơva. MediaMarkt, thương hiệu bán lẻ đồ điện tử của Đức hiện đã xem xét lại việc duy trì diện tích mặt bằng lớn, từng được hãng gây dựng như lợi thế cạnh tranh khi vào Nga năm 2006.

Ngày 11/12 vừa qua, người phát ngôn của MediaMarkt tại Matxcơva, bà Anna Trofimova cho biết “Chúng tôi đang thu hẹp diện tích trưng bày tại một số cửa hàng. Ngoài 68 cửa hàng trên toàn nước Nga, MediaMarkt sẽ tập trung mở rộng bán hàng trực tuyến”.

Trong bối cảnh sa sút của nền kinh tế Nga, các doanh nghiệp phương Tây đang đứng trước nguy cơ mất tài sản nếu chính phủ của ông Putin không có các biện pháp hỗ trợ họ. “Không có gì đảm bảo cho sự tồn tại của những doanh nghiệp này trong tương lai”- Rebel Cole, Giáo sư Tài chính, Trường Kinh doanh Driehaus, Đại học DePaul, Chicago nhận xét. 

Giữ vững cam kết thị trường

Hiên nay, các công ty chịu tác động tiêu cực về doanh thu và lợi nhuận tại Nga vẫn tuyên bố họ giữ vững cam kết tại thị trường này. Gedeon Richter Nyrt, hãng dược phẩm lớn nhất của Hungary, cho biết việc đồng rúp mất giá ảnh hưởng xấu đến doanh thu trong quý IV của hãng và sẽ dẫn đến "mất mát đáng kể về mặt tài chính" trong năm nay khi hãng này thực hiện đánh giá lại giá trị các khoản nợ bằng đồng rúp. Doanh số tại thị trường Nga chiếm 24% trên doanh số bán hàng của hãng này trong 9 tháng đầu năm 2014. " Gedeon Richter Nyrt hiện không nghĩ tới việc rút khỏi thị trường Nga," Zsuzsa Beke, một phát ngôn viên của hãng cho biết.

Hãng sản xuất ô tô Renault và đối tác Nissan Motor Co. đã mở rộng  và thâm nhập sâu vào thị trường Nga sau khi mua lại OAO AvtoVaz, hãng sản xuất nhãn hiệu ô tô Lada vào tháng 6 vừa qua. Doanh số bán hàng của Renault, Nissan và nhãn hiệu Lada đã giảm 8,4% trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2014, trong tình hình suy giảm chung tới 12% của thị trường xe ô tô. Renault tuyên bố các cam kết của hãng vẫn được duy trì. “Không có bất kỳ thay đổi nào trong chiến lược của chúng tôi. Các biện pháp ứng phó sẽ được thực hiện tùy theo diễn biến thị trường” - Oxana Nazarova, một phát ngôn viên của Renault ở Matxcơva khẳng định.

Vân Hằng

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên