MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người thực sự đứng sau mỗi đợt tăng lãi suất của Fed

18-09-2015 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Mỗi khi tăng lãi suất, Fed đều giao trọng trách này cho nhà kinh tế gốc Anh Simon Potter. Vậy ông là ai?

Năm nay 54 tuổi, Simon Potter là người chịu trách nhiệm thực thi các mục tiêu của Fed về lãi suất liên bang - loại lãi suất chủ chốt mà Fed dùng để điều hành chính sách tiền tệ. Ông đứng đầu một nhóm các nhà giao dịch ở chi nhánh New York của Fed hoạt động ở tầng 9 của trụ sở ở Mahattan.

Hôm qua (18/9), Ủy ban thị trường mở (FOMC) - cơ quan thiết lập lãi suất cơ bản - đã quyết định không tăng lãi suất, duy trì ở mức gần 0 suốt kể từ tháng 12/2008 đến nay. Từ nay đến cuối năm Fed còn 2 cuộc họp nữa sẽ diễn ra vào tháng 10 và tháng 12. Và, bất cứ khi nào Fed nâng lãi suất, điều đó chứng tỏ cơ quan này đã tự tin rằng nền kinh tế đã đủ khỏe để chịu đựng những đồng tiền đắt đỏ hơn. Fed cũng phải lo lắng lãi suất quá thấp có thể tạo ra lạm phát.

Mặc dù trên toàn nước Mỹ có đến 12 ngân hàng dự trữ trực thuộc hệ thống của Fed, New York vẫn là anh cả trong số 12 anh em. Các chính sách tiền tệ được quyết định tại Washington. Sau đó, hàng trăm nhà kinh tế học và chuyên gia nghiên cứu trực thuộc hệ thống Cục dự trữ Liên bang sẽ tham gia thiết kế những công cụ mới để thực hiện chính sách đó. Cuối cùng đến tay ông Potter sẽ là người vận hành những công cụ được đưa ra. Lúc đó, các chính sách tiền tệ mới chính thức được ra đời. 

Nếu coi hệ thống tài chính Mỹ như một đường ống dẫn nước chảy xuyên suốt các hang cùng ngõ hẻm từ thành thị đến nông thôn nước Mỹ, thì Simon Potter chính là người vận hành đường ống dẫn nước đó, bằng cách đóng và mở van để đưa dòng tiền đến những nơi mà Fed muốn.

“Simon là một nhân tài xuất chúng và giàu kinh nghiệm.” Carl Tannenbaum – trưởng nhóm kinh tế học tại Northern Trust Chicago cho hay.

Fed đang tiến tới những giới hạn mà nó chưa từng chạm đến. Chưa bao giờ Fed phải cố gắng tăng lãi suất trong bối cảnh hệ thống ngân hàng tràn ngập trong 2.500 tỷ USD tiền dự trữ như hiện nay. Các chuyên gia kinh tế và trader (nhà giao dịch) đang cầu mong các thị trường tài chính sẽ không bị xáo trộn khi Fed bắt đầu đóng van.

Vấn đề là, Fed không thể chỉ đơn thuần thông báo về lãi suất. Ở Mỹ lãi suất sẽ được quyết định bởi những lực đẩy trên thị trường. Việc duy nhất Fed có thể làm là tác động đến thị trường để khiến lãi suất liên bang hướng đến mục tiêu mà họ đã đề ra.

Nhiệm vụ này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi tiền khan hiếm trên thị trường liên ngân hàng và xuất hiện những nhu cầu tự nhiên. Tuy nhiên, bối cảnh ngày nay khiến nhiệm vụ trở nên khó khăn. Simon được cho là sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Đã có thời Simon không phải là một "thợ sửa ống nước tài chính chuyên nghiệp". Trước năm 2012, ông là giám đốc nhóm nghiên cứu lý thuyết kinh tế. Tiểu sử của ông trên website ngân hàng có ghi, nghiên cứu đặc biệt của ông được áp dụng phân tích chuỗi thời gian bằng thuyết Bayesian. Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều bài viết về động lực học phi tuyến tính trong các chu kỳ kinh doanh. Ông từng tham gia giảng dạy tại trường đại học UCLA, Johns Hopkins, Đại học New York và Princeton trước khi gia nhập chi nhánh ngân hàng Fed tại New York trong năm 1998. Ông có bằng cử nhân và bằng thạc sĩ tại Đại học Oxford và bằng tiến sĩ tại Đại học Wisconsin. Hiện nay, ông đang quản lý các tài khoản thuộc hệ thống thị trường mở cho FOMC.

Gary Koop – chuyên gia kinh tế lượng, người thường xuyên hợp tác với Potter trong các bài luận học thuật chia sẻ, “Anh ta là người đàn ông đa năng, có thể đối phó được cả những số liệu thống kê mang tính kỹ thuật, trừ tượng lẫn thế giới thực. Không giống như tôi và hầu hết những người đồng nghiệp của mình. Potter có thể đưa cái nhìn sâu sắc về các vấn đề kinh tế hữu quan để giải thích cho tôi vì sao thuật toán Metropolis-Hastings của tôi không hoạt động tốt. (Metropolis-Hastings là thuật toán kỹ thuật dùng để phân tích thống kê trong vật lý và kinh tế.)

Potter khá nhạy cảm với “động lực học phi tuyến” - hệ thống không bao giờ di chuyển theo đường thẳng. Khả năng này sẽ giúp cho anh thực hiện tốt các mong muốn của ủy ban. Brian Sack, giám đốc kinh tế toàn cầu tại quỹ D.E. Shaw, tiền bối của Potter tại vị trí của anh hiện nay nhận định “Khả năng nhanh nhẹn sẽ là chìa khóa để đáp ứng với sự phát triển của thị trường và mục tiêu kiểm soát lãi suất trong ngắn hạn. Simon đã làm tất cả mọi thứ mọi người mong chờ để chuẩn bị sử dụng những công cụ Fed đưa ra.”

Và, với quyết định hôm qua của Fed, có lẽ Simon sẽ phải chờ đến cuối năm mới có thể sử dụng những công cụ này.

Thảo Trang

Bloomberg

Trở lên trên