MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ giảm phát đe dọa kinh tế thế giới

17-11-2014 - 20:57 PM | Tài chính quốc tế

2/3 số người tham gia khảo sát của Bloomberg cho biết, kinh tế khu vực Châu Âu đang xấu đi; trong khi 89% nhận định, giảm phát sẽ là mối đe dọa lớn trong năm tới, chứ không phải là lạm phát.

Theo kết quả thăm dò từ các nhà đầu tư quốc tế của Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất hai năm qua khi thực trạng kinh tế khu vực đồng Euro và các nền kinh tế mới nổi ngày càng xấu đi và nguy cơ giảm phát tăng cao.

Theo đó, 38% số người tham gia khảo sát tuần này đánh giá, nền kinh tế toàn cầu đang xấu đi, con số cao gấp đôi so với kết quả cuộc khảo sát trước đó vào cuối tháng 7 và là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 9/2012 do châu Âu đang sa lầy vào thời kỳ suy thoái kinh tế.

2/3 số người tham gia khảo sát cho biết, kinh tế khu vực Châu Âu đang xấu đi; trong khi 89% nhận định, giảm phát sẽ là mối đe dọa lớn trong năm tới, chứ không phải là lạm phát. Ngân hàng TW Châu Âu và Chính phủ các quốc gia đang làm cho tình trạng này trở nên xấu đi khi theo đuổi các chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong khi đó, Sanwook Lee – Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Ngân hàng Shinhan, Seoul cho biết trong một email: “Nền kinh tế khu vực đồng Euro ngày càng xấu đi và nó sẽ còn tồi tệ hơn nếu như không có những chính sách tài chính kịp thời từ các nền kinh tế then chốt châu Âu, chủ yếu là Đức”.

Đồng thời theo khảo sát hàng quý của 510 nhà đầu tư, Châu Âu không phải là mối lo ngại duy nhất của nền kinh tế toàn cầu. Hơn 50% số người tham gia khảo sát lần này cũng cho biết, nền kinh tế các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cũng trở nên tồi tệ hơn; con số này chỉ chiếm 36% trong lần khảo sát tháng 7 vừa qua.

Kinh tế Trung Quốc suy yếu

Theo một báo cáo vào ngày hôm qua, kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm sâu từ cuối tháng 10, khi chỉ số sản xuất của các nhà máy chỉ tăng nhẹ 7,7% so với năm trước; mức tăng thấp thứ hai kể từ năm 2009 đến nay.

Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi. “So với các nền kinh tế lớn trên thế giới, kinh tế Mỹ vẫn là một trụ đỡ vững chắc” - Brian Dolan, một người tham gia khảo sát, đồng thời là nhà phân tích thị trường chiến lược của DriveWealth.com cho biết.

Theo số liệu của Bộ lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm mạnh trong tháng 10, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm.

Tuy vậy, Mỹ vẫn không thể xoa dịu lo lắng của nhiều nhà đầu tư khi giá cả tiêu dùng tăng trưởng chậm chạp. 47% ý kiến cho rằng lạm phát thấp hoặc giảm phát sẽ là nguy cơ lớn đe dọa nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ vào tháng 9 vừa qua đạt 1,4%; ghi nhận tháng thứ 29 liên tiếp tỷ lệ lạm phát của Mỹ dưới 2% theo mục tiêu của Fed. Trong khi một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng những chính sách tiền tệ của Mỹ là đúng đắn thì có 45% cho rằng nó phù hợp.

Chỉ số giá tiêu dùng khu vực đồng Euro vào tháng 10 vừa qua chỉ tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm trước; cao hơn mức thấp nhất trong vòng 5 năm là 0,3%. Con số này thậm chí còn chưa đạt 1/4 mục tiêu 2% mà ECB đề ra.

Các chính sách của ECB

Cũng theo kết quả khảo sát, có đến 43% ý kiến cho rằng, các chính sách tiền tệ của ECB quá chặt chẽ; con số này tăng lên so với 31% hồi tháng 7. Trong khi đó, tỷ lệ tín nhiệm của nhà đầu tư với Chủ tịch ECB – Draghi cũng giảm tương ứng; từ 74% trong lần thăm dò trước xuống còn 59% trong lần thăm dò mới đây.

Tuần trước, Draghi đã đề xuất giải pháp thúc đẩy lạm phát đạt mục tiêu của ECB bằng cách đề nghị các ngân hàng mua khoảng 1 nghìn tỷ Euro tài sản. 57% ý kiến khảo sát cho rằng, các chính sách tài chính của khu vực đồng Euro khá chặt chẽ.

Cùng với đó, kết quả tín nhiệm của Thủ tướng Đức Merkel đã giảm đáng kể so với lần thăm dò trước. 45% ý kiến cho rằng những chính sách của bà có lợi cho nhà đầu tư; con số này đã giảm từ 72% hồi tháng 7 và là tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất của bà trong 3 năm qua. Các nhà đầu tư Châu Âu khá bi quan về những chính sách của bà Merkel.

Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ - Jacob J. Lew - cho biết, khu vực đồng Euro cần nỗ lực hơn nữa để thoát ra khỏi “thập kỷ mất mát”. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng TW Anh - Mark Carney thì cho rằng “bóng đen của trì trệ và khủng hoảng kinh tế đang bao phủ lấy Châu Âu”.

Mặc dù vẫn phải đối mặt với nguy cơ lạm phát thấp và giảm phát, song nền kinh tế Nhật vẫn được đánh giá là ổn định nhất. Gần 3/4 số người tham gia khảo sát cho rằng, giảm phát sẽ là nguy cơ chính đe dọa các nền kinh tế Châu Á trong năm tới.

>>>Sản xuất và đầu tư của Trung Quốc đồng loạt suy yếu

Nguyệt Quế

huongtt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên