MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ giảm phát tăng mạnh tại Châu Á

21-08-2015 - 15:14 PM | Tài chính quốc tế

Nguy cơ giảm phát hiện không chỉ còn là vấn đề của Liên minh Châu Âu (EU) hay Nhật Bản nữa, rủi ro này hiện đã bắt đầu lan rộng sang thị trường Châu Á.

Trung Quốc là quốc gia có khả năng bị giảm phát nhiều nhất khi giá sản xuất hàng hóa của nước này đã giảm 41 tháng liên tiếp. Tháng 7/2015, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.

Trong 9 tháng qua, áp lực PPI suy giảm đã lan rộng tại 9 trên 10 nền kinh tế ở khu vực Châu Á ngoại trừ Indonesia.

Chi phí sản xuất suy giảm sẽ kéo theo việc hạ giá bán buôn của các công ty nhằm cạnh tranh trên thị trường, đồng thời gia tăng rủi ro giảm phát. Trong trường hợp người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, lợi nhuận và doanh số của các tập đoàn sản xuất sẽ suy giảm và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực.

Giá các loại khoáng sản và sản phẩm nông nghiệp đã giảm mạnh, trong khi giá năng lượng sau 1 thời gian ổn định lại bắt đầu đi xuống. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng cung thêm dầu của Iran và tình hình giảm tốc tại Trung Quốc là nguyên nhân cho sự giảm giá trên.

Tại Châu Á, để phá vỡ nguy cơ giảm phát, các ngân hàng trung ương buộc phải hạ lãi suất để kích thích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Đây là một phần nguyên nhân khiến chính phủ các nước liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian gần đây, đặc biệt là động thái phá giá Nhân dân tệ tuần trước.

Việc điều chỉnh tỷ giá của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã giảm giá đồng tiền lần thứ 3 từ đầu năm đến nay với những lo ngại rằng xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Một đối tác quan trọng khác của Trung Quốc là Kazakhstan đã thả nổi tỷ giá ngày 20/8, khiến đồng tiền nước này giảm 23%.

Morgan Stanley cũng cho rằng chỉ hạ lãi suất không đủ để giải quyết tình hình. Chính phủ của các nước cần có biện pháp cải cách công nghiệp nhằm giải quyết tình trạng dư thừa năng suất.

Công ty tài chính này đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của rủi ro giảm phát tại Châu Á, bởi việc suy giảm hoạt động của các nhà máy do giảm phát có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, qua đó tác động đến tình hình xã hội.

Theo Hoàng Nam / CNBC

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên