MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà băng Thụy Sĩ, bí mật không còn là lợi thế

29-05-2013 - 15:21 PM | Tài chính quốc tế

Thời gian gần đây Thụy Sĩ đang đối mặt với áp lực phải từ bỏ truyền thống bí mật ngân hàng lâu đời. Một số vụ bê bối đã khiến nền tảng bí mật của hệ thống ngân hàng ở Thụy Sĩ lung lay.

Từ 1934, Luật Ngân hàng Thụy Sĩ được ban hành, đã đặt những hòn đá đầu tiên cho truyền thống bảo mật nổi tiếng của các nhà băng Thụy Sĩ. Đất nước giàu có này đã trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, là nơi gửi gắm tài sản an toàn cho nhiều đại gia và yếu nhân nổi tiếng…

Với truyền thống bảo mật thông tin cho khách hàng của các ngân hàng Thụy Sĩ, đã khiến cho nhiều nước xem bí mật ngân hàng ở quốc gia này là cách thức giúp che giấu các khoản “tiền bẩn” có được từ những hoạt động mờ ám, tội phạm, tham nhũng, trốn thuế… mà ít khi bị “sờ gáy”. Trong suốt thời gian dài, chính phủ Thụy Sĩ luôn tìm cách bảo vệ bằng được bí mật các ngân hàng của mình. Bên cạnh những yếu tố Dân tộc, Chính trị, bí mật ngân hàng cũng là một rào cản ngăn cản không cho Thụy Sĩ gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, thời gian gần đây Thụy Sĩ đang đối mặt với áp lực phải từ bỏ truyền thống bí mật ngân hàng lâu đời. Một số vụ bê bối đã khiến nền tảng bí mật của hệ thống ngân hàng ở Thụy Sĩ lung lay. Đó là, trường hợp cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac. Khi ông này thú nhận có giấu tiền trong một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ bí mật, để né tránh cơ quan thuế vụ. Mới đây, Hy Lạp đã chứng kiến một khoản tiền thuế lớn của họ biến mất vào các ngân hàng Thụy Sĩ và đang thèm khát việc đòi lại những khoản tiền này càng sớm càng tốt.

Trước đó, truyền thống bí mật ngân hàng Thụy Sĩ đã bị cảnh báo khi cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh mang tính toàn cầu. Tháng 9/2007, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick và Ủy ban phòng chống tội phạm và ma túy LHQ (UNODC) đã đưa ra sáng kiến StAR (Stolen Asset Recovery - Thu hồi những tài sản bị đánh cắp) nhằm đấu tranh chống tham nhũng, tìm ra tài sản bị mất để trả lại cho quốc gia bị thiệt hại, kể cả việc lôi ra ánh sáng những kẻ ăn cắp của người nghèo. Và những bí mật ở các nhà băng Thụy Sĩ đã bị săm soi nhiều nhất.

Thụy Sĩ đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng trước việc phải từ bỏ truyền thống bí mật ngân hàng của mình. Mỹ đã tuyên bố rằng họ muốn các ngân hàng của Thụy Sĩ phải cung cấp thông tin cho nhà chức trách Mỹ về các khách hàng người Mỹ.

Tháng 2/2009, Chính phủ Thụy Sĩ đã buộc phải ra lệnh cho UBS - Ngân hàng lớn nhất nước này cung cấp cho cơ quan thuế của Mỹ thông tin của 225 khách hàng bị nghi là phạm tội. Giờ đây, EU cũng muốn được trao đổi thông tin tương tự như Mỹ đã đòi hỏi ở Thụy Sĩ. Mới đây, lãnh đạo của các nước EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) nhằm đưa ra một giải pháp chống gian lận và trốn thuế vốn đang gây tổn thất cho EU khoảng 1.000 tỷ euro mỗi năm. Trong khi, Thụy Sĩ, nước không phải thành viên EU, sẽ khó có thể từ chối yêu cầu trên của EU nếu nước này muốn xâm nhập sâu rộng vào thị trường tài chính của khối.

Ông Hennri Torrione - Giáo sư về Luật Thuế của trường Đại học Freiburg (Đức) cho rằng, năm 2009 là một bước ngoặt đối với bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ. Với những người sống trên đất Thụy Sĩ thì không có gì thay đổi cả, các cơ quan thuế chỉ được hỏi ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, nhưng những thông tin về những người không sống trên đất Thụy Sĩ thì có thể bị cung cấp ngay cho các cơ quan thuế liên quan, ngay cả trong những trường hợp trốn thuế đơn giản như quên không khai báo một khoản thu nhập. Những quy định mới này gây ra tâm lý lo ngại của nhiều khách hàng không sống trên đất Thụy Sĩ.

Phản ứng của Chính phủ Thụy Sĩ khá khó khăn. Bởi, các bộ trưởng đang mắc kẹt giữa việc họ muốn có mối quan hệ tốt với Mỹ và EU. Trong khi, thái độ chung của công chúng trong nước là không chấp nhận trước các yêu cầu của nước ngoài. Yves Nidegger, một nghị sĩ trong Quốc hội tới từ Đảng cánh hữu Nhân dân Thụy Sĩ nói rằng, vấn đề nằm ở chỗ liệu người Thụy Sĩ có thể tự định ra luật lệ của riêng mình. “Chúng ta là một nhà nước độc lập, nơi các quy định của Quốc hội được áp dụng trên lãnh thổ của mình hay chúng ta chỉ là một nhà nước thuộc địa, nơi luật pháp được các láng giềng hùng mạnh định đoạt?”, ông này phát biểu.

Nhiều khách hàng nước ngoài cũng tỏ ra lo ngại với điều chỉnh này bởi họ sợ rằng ngân hàng Thụy Sĩ sẽ cung cấp thông tin cho giới chức nước họ về các tài khoản mà họ không bao giờ muốn công bố. Nhiều người cho rằng sức hút của các ngân hàng Thụy Sĩ có thể sẽ giảm đi bởi các khách hàng sẽ không còn thấy an toàn khi gửi gắm tài sản của mình, trừ phi chi phí quản lý tài sản giảm mạnh.

Theo Nam Khánh

huongnt

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên