MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư ngoại mất kiên nhẫn với chứng khoán Trung Quốc

06-01-2016 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Những nỗ lực mới nhất để giải cứu TTCK của Trung Quốc đang khiến những nhà đầu tư ngoại rời xa thị trường này.

Giống như hồi mùa hè, hôm qua (5/1), các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã một lần nữa can thiệp vào thị trường. Các quỹ trực thuộc nhà nước mua vào lượng lớn cổ phiếu để ngăn đà giảm giá và giới chức phát tín hiệu rằng lệnh cấm các cổ đông lớn bán ra sẽ được duy trì lâu hơn so với giới hạn 8/1 được đề ra ban đầu.

Mặc dù các biện pháp này có thể tạm thời ổn định lại thị trường, chúng là không cần thiết vì sẽ tạo ra mức giá giả tạo và nuôi dưỡng rủi ro đạo đức vì nhà đầu tư quan niệm rằng Chính phủ nhất định sẽ hành động để cứu thị trường, theo ngân hàng UBS.

Với mức giá cao nhất so với các thị trường chủ chốt, tất cả 7 chiến lược gia và nhà quản lý tham gia khảo sát của Bloomberg hồi tháng trước đều dự đoán các nhà quản lý sẽ để dỡ bỏ quy định cấm cổ đông lớn thoái vốn (đã kéo dài được 6 tháng).

“Tôi thật sự thất vọng vì họ lại tiếp tục sử dụng các công cụ kiểm soát số lượng. Cuối cùng họ sẽ tự bắn vào chân mình”, chuyên gia Jorge Mariscal đến từ UBS nhận định.

Các biện pháp can thiệp lại được tung ra sau khi cơn bán tháo trị giá 590 tỷ USD bùng nổ vì số liệu sản xuất yếu ớt và các nhà đầu tư nội địa lo ngại rằng lệnh cấm bán ra được dỡ bỏ sẽ đè nặng lên thị trường.

Ủy ban chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã yêu cầu các sở giao dịch phổ biến với các công ty niêm yết rằng lệnh cấm sẽ có hiệu lực cho đến khi có quy định mới. Các công ty niêm yết cũng được khuyến khích đưa ra thông cáo sẽ sẵn sàng ngăn chặn các giao dịch bán ra như vậy.

Có hiệu lực từ tháng 7, lệnh cấm này quy định các cổ đông nắm hơn 5% cổ phần trong 1 công ty và các lãnh đạo của công ty đó không được thoái vốn. Tổng cộng khoảng 1.100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 tỷ USD) đã bị “khóa chặt” vì lệnh cấm này.

Trong khi đó Deng Ge, người phát ngôn của CSRC, khẳng định dỡ bỏ lệnh cấm sẽ có rất ít ảnh hưởng lên thị trường vì không phải tất cả cổ đông đa số đều có nhu cầu thoái bớt vốn. Trong những năm gần đây, khoảng 60% số cổ phần được các nhà đầu tư lớn bán ra thông qua các thỏa thuận chuyển nhượng do đó không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Các nhà đầu tư ngoại đã bán ra khoảng 7,8 tỷ USD cổ phiếu trên sàn Thượng Hải thông qua mối liên kết với sàn Hồng Kông kể từ đầu tháng 7, khi Chính phủ Trung Quốc mạnh tay can thiệp vào thị trường. Trong tháng 12 các nhà đầu tư cũng rút khoảng 60 triệu USD khỏi hai quỹ ETF lớn nhất theo dõi thị trường nội địa.

Brian Jacobsen, chiến lược gia tại quỹ Wells Fargo Advantage Funds, nhận định uy tín của Trung Quốc trong mắt nhà đầu tư ngoại đã giảm mạnh sau những biện pháp can thiệp hành chính. Đồng thời, nước này sẽ phải trả giá khá đắt nếu tiếp tục can thiệp vào thị trường bởi giá không phản ánh những yếu tố cơ bản trên thực tế.

Kể cả sau khi giảm 7% hôm 4/1 vừa qua, trung bình các cổ phiếu giao dịch trên thị trường đại lục đang ở mức giá cao hơn 65 lần so với lợi nhuận – cao gấp 3 lần mức của NYSE.


Chứng khoán Trung Quốc vẫn đắt đỏ nhất thế giới

Chứng khoán Trung Quốc vẫn đắt đỏ nhất thế giới

 

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên