MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ có đủ tiêu chí để vào rổ tiền của IMF?

10-08-2015 - 17:14 PM | Tài chính quốc tế

Nếu IMF công nhận nhân dân tệ là 1 đồng tiền dự trữ, người ta không bỏ dự trữ USD ngay để quay sang đồng nhân dân tệ nhưng sẽ có nhiều nước dự trữ nhân dân tệ hơn.

Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Về mặt kỹ thuật, nó là tài sản dự trữ quốc tế nhằm duy trì tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên trên thực tế, một số người cho rằng quyền này không to tát đến vậy, bởi các nước chủ yếu dựa vào thị trường vốn để trả nợ.

Hiện nay, khi Trung Quốc muốn đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của IMF, nước này quan tâm hơn đến SDR. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là tổ chức quản lý SDR. Cứ 5 năm một lần, tổ chức này tiến hành đánh giá rổ tiền tệ. Năm nay cũng là năm IMF đánh giá rổ tiển tệ và Trung Quốc mong rằng đồng nhân dân tệ sẽ vào được giỏ tiền tệ của IMF và nước này sẽ có quyền rút vốn đặc biệt.

Nếu IMF công nhận nhân dân tệ là 1 đồng tiền dự trữ, người ta không bỏ dự trữ USD ngay để quay sang đồng nhân dân tệ nhưng sẽ có nhiều nước dự trữ nhân dân tệ hơn.

Có 2 tiêu chí quyết định một đồng tiền có thể được vào rổ tiền tệ hay không: Một là, đồng tiền đó là nội tệ của một nước xuất khẩu lớn và hai là đồng tiền đó được sử dụng tự do.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đáp ứng được tiêu chí thứ nhất. Trong 5 năm qua, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ sau Liên minh châu Âu và Mỹ, chiếm 11% tổng xuất khẩu toàn cầu. Vị trí của Trung Quốc còn cao hơn của Nhật Bản và Anh, trong khi đồng yên và đồng bảng Anh đã được tính vào rổ tiền tệ.

Ở tiêu chí thứ hai, nếu hiểu rằng "sử dụng tự do" có nghĩa là có thể chuyển đổi sang đồng tiền khác thì đồng nhân dân tệ chưa đạt được tiêu chí này. Trung Quốc đưa ra quy định lượng tiền tối đa người dân có thể mang ra nước ngoài, buộc các công ty quốc tế phải làm nhiều thủ tục khi giao dịch với các công ty của nước này trong khi hạn chế người nước ngoài đầu tư vào thị trường vốn trong nước.

Theo IMF, "sử dụng tự do" có nghĩa nó có được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế và có được mua bán rộng rãi trên thị trường toàn cầu hay không. Năm 2014, đồng nhân dân tệ xếp thứ 7 trong số các loại tiền dự trữ chính thức của các nước và đứng thứ 8 trong thị trường chứng khoán nợ và thanh toán quốc tế. Trong kinh doanh, đây là đồng tiền được mua bán nhiều thứ 11.

Xét về lâu dài, khả năng đồng nhân dân tệ được đưa vào rổ tiền tệ là khá cao. Tuy có xuất phát điểm thấp nhưng mức độ sử dụng đồng tiền này tăng nhanh. Năm 2013, nhân dân tệ chiếm 0,7% tổng tài sản dự trữ chính thức của các nước. Năm 2014, con số này tăng lên mức 1,1%. Khoảng 0,6% chứng khoán nợ quốc tế hiện nay được tính bằng nhân dân tệ, gấp 6 lần so với năm 2010. Khoảng 1% thanh toán quốc tế thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, gấp 5 lần so với năm 2012. Từ 0,3% trong năm 2010, giao dịch quốc tế đối với đồng nhân dân tệ tăng lên mức 0,8% năm 2013, Chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt "cởi mở" hơn đối với ngân hàng trung ương của các nước khác.

Quyết định của IMF sẽ tác động đến quá trình cải cách của Trung Quốc. Việc đồng nhân dân tệ ngày càng được sử dụng nhiều trong giao dịch quốc tế và ngân hàng trung ương Trung Quốc đang dẫn nới lỏng các quy định về hạn chế vốn sẽ làm tự do hóa hệ thống tài chính của nước này.

NHTW Trung Quốc là tổ chức khá hăng hái trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế. Nếu IMF đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ, đây sẽ được coi là một chiến thắng của ngân hàng này, góp phần mở cửa nền kinh tế Trung Quốc. Vào thời điểm khi có những nghi ngờ về cam kết cải cách của Trung Quốc, khi Trung Quốc can thiệp sâu vào thị trường chứng khoán, việc đồng nhân dân tệ được đưa vào rổ tiền tệ sẽ có giá trị lớn đối với bản thân nước này.

Thu Trang

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên