Nhân dân tệ đã thực sự vượt qua bài kiểm tra của IMF?
Chiều 30/11 theo giờ Mỹ, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF – bà Christine Lagarde - cùng những người cộng sự trong hội đồng quản trị IMF sẽ có buổi họp tại trụ sở chính ở Washington để bàn về câu hỏi rất quan trọng đối với Trung Quốc.
- 23-11-2015Nhân dân tệ thấp nhất 3 tháng vì dự báo phá giá
- 20-11-2015Nhân dân tệ vào SDR: "Con dao hai lưỡi"
- 14-11-2015Chủ tịch IMF Lagarde ủng hộ đưa đồng nhân dân tệ vào SDR
Câu hỏi được đem ra thảo luận lần này là: liệu có nên trao quyền rút vốn đặc biệt cho đồng nhân dân tệ và chấp thuận nó trở thành đồng tiền dự trữ trong giỏ tiền tệ quốc tế SDR hay không. Ra đời năm 1969, SDR cung cấp cho các nước thành viên quyền giữ một loại tiền tệ bất kỳ trong rổ tiền hiện tại gồm có USD, đồng yên, EUR và bảng Anh nhằm cân bằng cán cân thanh toán quốc gia.
Kết quả của cuộc họp ít nhiều cũng đã được dự báo trước. Nhiều tín hiệu từ phía bà Lagarde cho thấy cánh cửa IMF đang rộng mở chào đón đồng nhân dân tệ.
Cơ quan quyết định tối cao của IMF là hội đồng thống đốc bao gồm một nhóm các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng Trung ương từ 188 quốc gia thành viên. Hội đồng thống đốc chọn ra một ban chấp hành gồm 24 giám đốc điều hành có nhiệm vụ đại diện và thực thi hầu hết các quyền hạn của Hội đồng. Trong cuộc họp “hạn chế” ngày hôm nay, không có nhân viên hỗ trợ nào được phép tham dự.
Hội đồng thống đốc họp mặt 200 lần mỗi năm và thường ra quyết định dựa trên đồng thuận chứ không phải dưới hình thức bỏ phiếu chính thức. Mark Sobel, giám đốc điều hành người Mỹ, nắm giữ quyền bỏ phiếu cao nhất với 17%. Nhóm 7 quốc gia điều hành nắm giữ tổng cộng 43%. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ nắm giữ vỏn vẹn 3,8%.
Sau đây là những điểm chính trong quyết định được đưa ra trong ngày hôm nay và những tác động đến thị trường tài chính quốc tế.
Đồng nhân dân tệ có xứng đáng?
Trong bài phát biểu hôm 13/11, bà Largade cho biết đồng nhân dân tệ được công nhận là “có thể tự do sử dụng”. Theo định nghĩa của IMF, đó phải là đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thanh toán toàn cầu cũng như các giao dịch chuyển đổi tiền tệ trên thị trường ngoại hối.
Nhưng chỉ 5 tháng trước, cũng chính IMF nhận định nhân dân tệ chưa đạt được tiêu chí này. Sau quyết định ngày hôm nay, IMF sẽ tung ra bản báo cáo chi tiết về luận điểm này, làm sáng tỏ hơn về cách các nhà kinh tế thuộc Quỹ đi đến kết luận.
Các chỉ số chính để đo lường khả năng tự do sử dụng của một đồng tiền bao gồm tỷ lệ của đồng tiền này được sử dụng trong dự trữ ngoại hối của các NHTW trên toàn thế giới, tài sản nợ ngân hàng quốc tế, chứng khoán nợ toàn cầu và khối lượng được sử dụng trên các thị trường ngoại hối..
Trong báo cáo hồi tháng 7, quan chức IMF đánh giá nhân dân tệ đứng thứ 7 trong xếp hạng đồng tiền dự trữ, sau 4 đồng thuộc SDR, đồng đô Úc và đô Canada. Trong dự trữ của các NHTW trên toàn thế giới, đồng nhân dân tệ chỉ đóng góp 1,1% trong khi đồng USD chiếm 63,7%. Ngoài ra, nhân dân tệ cũng nằm ngoài top 5 nhóm đồng tiền sử dụng làm chứng khoán nợ và trong các giao dịch trên thị trường tiền tệ.
Theo Ted Truman – cựu quan chức Fed và Bộ Tài chính Mỹ, đồng nhân dân tệ vẫn chưa đáp ứng đủ 5 chỉ số chính. Hành động của Trung Quốc nhằm bù đắp thiếu hụt được đề cập trong báo cáo trước đó cho thấy có “tiến bộ” nhưng chưa đem lại kết quả đáng kể.
Vị trí của nhân dân tệ trong giỏ tiền tệ cấu thành SDR?
Quyết định của Hội đồng thống đốc sẽ bao gồm trọng số của đồng nhân dân tệ trong giỏ tiền tệ. Hiện nay, đồng USD chiếm 41,9%, đồng EUR 37,4%, bảng Anh 11,3% và đồng yên Nhật chiếm 9,4%.
Trong báo cáo hồi tháng 7, IMF ước tính nhân dân tệ sẽ chiếm khoảng 14-16% trong giỏ tiền tệ.
Trọng số đồng tiền sẽ ảnh hưởng đến lãi suất vay tiền từ IMF.
Phản ứng của chính phủ
Phản ứng của các chính phủ cũng như các chính trị gia sau quyết định của IMF sẽ cho thấy phần nào thái độ của thế giới về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ban đầu, chính quyền ông Obama cứng rắn khẳng định Trung Quốc áp dụng cải cách tài chính để thuyết phục Mỹ hỗ trợ đưa nhân dân tệ vào rỏ SDR. Nhưng sau chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình đến Nhà Trắng hồi tháng 9, Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ đồng nhân dân tệ đáp ứng các tiêu chuẩn của IMF.
Trung Quốc cần làm gì để cải cách ?
Nhằm cung cấp thời gian điều chỉnh cho thành viên sử dụng SDR, IMF đã quyết định mọi thay đổi sẽ phải chờ đến cuối tháng 9.
Báo cáo tháng 7 cũng nhấn mạnh một loạt thách thức của việc kết nạp đồng nhân dân tệ vào giỏ SDR. Các nước sử dụng SDR cần được phép tiếp cận với thị trường chứng khoán niêm yết bằng đồng nhân dân tệ để quản lý dự trữ và phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, IMF cũng cần phải xác định một mức chuẩn lãi suất đáng tin cậy để tính toán lãi suất cho vay SDR.
Trung Quốc đã giải quyết một số vấn đề trên bằng cam kết phát hành trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng mỗi tuần, đồng thời mở cửa thị trường trái phiếu trong nước và thị trường tiền tệ cho các ngân hàng nước ngoài.
Nhưng có vẻ như IMF sẽ còn yêu cầu nhiều hơn thế để dàn xếp sự thay đổi này. Domenico Lombardi – giám đốc chương trình kinh tế toàn cầu tại Waterloo, Ontario cho biết, IMF sẽ cần nhiều cơ sở tin cậy hơn để bảo đảm tỷ giá hối đoái chuẩn và lãi suất đồng nhân dân tệ sẽ được áp dụng. Hơn nữa, Quỹ IMF cũng sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kiềm chế can thiệp tiền tệ.