Nhóm bí mật thao túng tỷ giá trên toàn thế giới
Thông tin chia sẻ giữa các nhà giao dịch ở JPMorgan Chase, Citigroup, UBS và Barclays đã giúp họ có thể thao túng giá cả nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
- 26-10-2012Thêm 9 ngân hàng có liên quan đến bê bối lãi suất Libor
- 13-11-2013Nghi án các ngân hàng lớn nhất thế giới thao túng tỷ giá
Đó là lúc 4h kém 20 ở London và màn hình máy tính của các nhà giao dịch tiền tệ đang tràn ngập màu đỏ và màu xanh. Một số đang theo dõi tới khoảng 50 phòng chat hiển thị trên 4 chiếc màn hình máy tính ở trước mặt họ. Tin nhắn từ những nhân viên kinh doanh và khách hàng xuất hiện liên tục.
Đây chỉ là một khoảnh khắc trong thời điểm quan trọng trong một ngày làm việc của các nhà giao dịch tiền tệ. Họ mua và bán tiền tệ với khối lượng hàng tỷ USD trên thị trường tiền tệ có giá trị giao dịch lên tới 5.300 tỷ USD mỗi ngày (theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS). Đây chính là những giao dịch giúp định hình chỉ số cơ bản WM/Reuters được sử dụng để định giá các quỹ chỉ số nắm giữ bởi các nhà giao dịch trên toàn thế giới.
Trong thời gian này, các nhà quản lý từ Bern đến Washington đang kiểm tra những bằng chứng được Bloomberg phát hiện hồi tháng 6 rằng một nhóm các nhà giao dịch chuyên nghiệp tại các ngân hàng lớn đang lợi những những thông tin có được từ giao dịch của khách hàng để kiếm lời. Thông tin chia sẻ giữa các nhà giao dịch ở JPMorgan Chase, Citigroup, UBS và Barclays đã giúp họ có thể thao túng giá cả nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
“Đây là thị trường không có bất cứ luật lệ nào quản lý và tất cả mọi người bị “lóa mắt”, Ted Kaufman – người đã từng là Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ - nói. “Chúng ta đã nói rất nhiều về những ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” và đây cũng là những ngân hàng quá lớn để có thể kiểm soát”.
Trung tâm của sự việc là những nhóm trò chuyện với những cái tên như “The Cartel”, “the Bandit Club”, “One Team, One Dream” hay “the Mafia”. Trong đó, các nhà giao dịch sẽ trao đổi thông tin về giao dịch của khách hàng và từ đó thỏa thuận về việc giao dịch làm sao cho có lợi nhất.
Quá trình này đã làm xói mòn một trong những quy luật cơ bản nhất của xã hội: cách mà tiền tệ được định giá. Việc một nhóm các nhà giao dịch có thể bóp méo giá trị của các đồng tiền trên toàn cầu nhằm trục lợi mà không bị các nhà quản lý phát hiện đã gây ra những hậu quả khôn lường.
Bởi vì các quỹ sẽ mua và bán hàng tỷ USD mỗi tháng vào lúc 4h sáng và tỷ giá WM/Reuters được quyết định bằng cách tính toán giá trị trung bình của các giao dịch trong thời kỳ 60 giây, điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã phải chịu thiệt. Thị trường tiền tệ hoàn toàn được kết nối thông suốt và do đó tất cả đều bị ảnh hưởng, từ BlackRock (công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới với 4.100 tỷ USD) cho tới Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới được chính phủ Nhật Bản quản lý.
Không giống như cổ phiếu và trái phiếu (vốn được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chính phủ), thị trường ngoại tệ giao ngay không được coi là một sản phẩm đầu tư và do đó không có luật pháp cụ thể nào quản lý.
Mặc dù theo đạo luật Dodd – Frank, các công ty phải báo cáo về hợp đồng hoán đổi và tương lai đối với ngoại tệ, hợp đồng giao ngay là một ngoại lệ. Bộ Tài chính Mỹ miễn trừ các giao dịch này để hỗ trợ giao dịch với trung tâm thanh toán bù trừ. Ở châu Âu, các ngân hàng sẽ phải báo cáo các giao dịch phái sinh ngoại tệ.
Thiếu vắng các quy định quản lý khiến thị trường giao dịch ngoại tệ dễ dàng bị bóp méo, theo Rosa Abrantes-Metz, giáo sư tại ĐH New York. “Nếu không có ai quản lý những chỉ số cơ bản và lợi nhuận thu được là rất lớn, hành vi sai trái dễ dàng xảy ra. Một sự điều chỉnh nhỏ cũng có thể mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ”.
Từ những tin nhắn
Câu chuyện được Bloomberg phát hiện từ tháng 6, dựa trên những cuộc phỏng vấn với cả những người đang và từng là nhân viên giao dịch tiền tệ, khiến các ngân hàng đồng loạt thực hiện điều tra nội bộ, rà soát lại hàng triệu tin nhắn, thư điện tử và cuộc điện thoại. Cơ quan giám sát tài chính Anh, Ủy ban châu Âu, Ủy ban cạnh tranh Thụy Sĩ và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang tiến hành điều tra.
Ít nhất 12 nhà giao dịch tiền tệ đã bị cho tạm nghỉ hoặc buộc thôi việc tại các ngân hàng sau khi điều tra nội bộ. Royal Bank of Scotland đã giao nộp các tin nhắn, trong khi Deutsche Bank và UBS đang tiến hành điều tra nội bộ.
UBS, RBS, Citigroup, Deutsche Bank, JPMorgan và Lloyds Banking Group Plc (LLOY) cấm các nhà giao dịch lập phòng chat giữa nhiều ngân hàng với nhau.
Trọng tâm của cuộc điều tra là mối quan hệ giữa 3 nhà giao dịch trong nhóm “the Cartel”, bao gồm Richard Usher đến từ JPMorgan, Rohan Ramchandani đến từ Citigroup và Matt Gardiner đến từ Barclays và cũng từng làm việc ở UBS. Ngân hàng của họ kiểm soát hơn 40% giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới trong năm 2012. Tuy nhiên, những người này bác bỏ lời buộc tội, cho rằng họ chỉ nhằm mục đích tối thiểu hóa lỗ tại những thời điểm mà giá cả biến động mạnh nhất trong ngày.
Ramchandani là trưởng bộ phận giao dịch ở châu Âu tại Citigroup. Sinh ra ở Ấn Độ và được nhiều người mô tả là chăm chỉ và lịch sử, anh gia nhập đội ngũ giao dịch của ngân hàng này sau khi tốt nghiệp ĐH Pennsylvania chuyên ngành kinh tế.
Gardiner bắt đầu làm việc tại Standard Chartered từ tháng 9 và trước đó đã từng làm tại UBS.
Usher, Ramchandani and Gardiner buộc phải thôi việc sau khi FCA mở cuộc điều tra. Trong khi đó, Ashton cùng với 5 nhà giao dịch khác phải tạm ngừng công việc trong quá trình điều tra.
Thu Hương