Những "hậu duệ" mới của Keynes
Nước Anh đang dẫn đầu xu hướng mới buộc thế giới phải nhìn nhận lại về cách giảng dạy kinh tế học.
Đối với các nhà kinh tế học, năm 2008 là một cơn ác mộng. Những người nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế học không chỉ thất bại trong việc phát hiện ra những “vết nứt” trong nền kinh tế thế giới mà còn dự đoán về một kịch bản đối lập hoàn toàn. Họ dự đoán kinh tế thế giới sẽ bước vào thời kỳ ổn định được gọi là thời kỳ “ôn hòa vĩ đại” (great moderation). Trong khi kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục một cách chậm chạp, kinh tế học vẫn ở trong trạng thái liên tục thay đổi. Sinh viên kinh tế háo hức tìm hiểu điều gì đã xảy ra nhưng lại cảm thấy bối rối với những gì đã được dạy. Trong bối cảnh ấy, một vài dự án mới đang được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu thay đổi thực trạng.
Thời kỳ đầu những năm 1930, kinh tế toàn cầu ở trong trạng thái tồi tệ. Nền kinh tế mắc kẹt trong vũng lầy suy thoái nhưng các nhà kinh tế học không thể giải thích tại sao. Tuy nhiên, có hai nhà kinh tế học người Anh đã thay đổi điều này. Năm 1933, John Maynard Keynes, nhà kinh tế học đến từ ĐH Cambridge, đã cung cấp những “nguyên liệu thô”: học thuyết mới giải thích tại sao lực cầu không đầy đủ có thể dẫn đến thời kỳ suy thoái kéo dài và thất nghiệp trong dài hạn. Những ý tưởng này thực sự “cất cánh” khi John Hicks (cũng đến từ ĐH Cambridge) “chưng cất” những ý tưởng của Keynes vào một mô hình đơn giản sau đó đã trở thành xương sống của kinh tế học.
Giờ đây, điều kiện cho sự thay đổi lại một lần nữa trở nên chín muồi và nước Anh một lần nữa đảm nhiệm vai trò dẫn đầu. Kinh tế học đang rất được quan tâm. Số sinh viên theo ngành kinh tế học tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên sẽ cảm thấy thất vọng. Ở ĐH Manchester, một nhóm sinh viên đã được thành lập để đưa ra những yêu cầu nhằm thay đổi chương trình giảng dạy. Trong số các yêu cầu có cắt giảm những buổi học tập trung vào các công thức chi tiết và tăng thời lượng thảo luận về các nhà kinh tế học kinh điển đóng vai trò quan trọng trong lịch sử kinh tế thế giới.
Không chỉ có sinh viên cảm thấy giận dữ. Nhiều giảng viên cũng than phiền rằng lịch sử của các học thuyết kinh tế hiếm khi được giảng dạy. Điều này không có nghĩa là nghiêng về ý tưởng về chủ nghĩa xã hội của Karl Marx hay chủ nghĩa tự do của Friedrich Hayek. Điều này có nghĩa là sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng sử dụng các học thuyết lịch sử như nguồn ý tưởng mới.
Hãy lấy ngành ngân hàng làm ví dụ. Irving Fisher và Milton Friedman đều hoài nghi về mô hình ngân hàng với dự trữ bán phần (tiền gửi được chuyển thành khoản vay chứ không phải tài sản an toàn) và viết về nó khá nhiều. Đóng góp của họ có thể được nhìn thấy trong việc thiết kế nên “hàng rào kín” được sử dụng để bảo vệ tiền gửi nhỏ lẻ. Nếu hai nhân vật trên được giảng dạy nhiều hơn ở các trường đại học, có lẽ ý tưởng “hàng rào kín” đã có trước khi khủng hoảng xảy ra.
Không chỉ sinh viên cảm thấy không hài lòng với cách giảng dạy kinh tế học hiện nay. Rất nhiều nhà kinh tế học nghĩ rằng lịch sử kinh tế nên được giảng dạy một cách rộng rãi. Sự thực là với những hiểu biết về thời kỳ Đại suy thoái và thời kỳ tối tăm của kinh tế Nhật Bản trong những năm 1990, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke đã thực hiện nhiệm vụ một cách xuất sắc hơn nhiều so với các nước giàu có khác. Một ví dụ khác, Stanley Fischer – Thống đốc NHTW Israel giai đoạn 2005 – 2013 – cho rằng lịch sử kinh tế học sẽ trở nên hữu ích trong công cuộc chống lại khủng hoảng 2008.
Một nhóm các giảng viên đang lắng nghe các ý kiến này. Dẫn dắt bởi Wendy Carlin – nhà kinh tế học tại University College London, nhóm này đang biên soạn một giáo án mới dự kiến sẽ được triển khai trong năm học 2014 – 2015.
Trong chương trình mới, người học có thể thoải mái đóng góp ý kiến. Đồng thời, họ được tiếp cận sâu hơn với các chính sách. Buổi hội thảo giới thiệu dự án vừa được tổ chức hôm 11/11 tại Kho bạc Hoàng gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ NHTW Anh.
Chương trình học cũng được quốc tế hóa nhiều hơn. Trước khủng hoảng, sinh viên có thể tốt nghiệp với các kiến thức chủ yếu về nước Mỹ. Các học giả đóng góp cho dự án của Carlin có mặt ở 9 nước khác nhau, trong đó có cả những nền kinh tế mới nổi như Chile, Colombia, Ấn Độ và Nga. Họ đã tiếp thu bài học của Hick, với những công cụ trực tuyến được thiết kế bởi ĐH Azim Premji ở Bangalore. Không có ai phải mua những cuốn sách đắt tiền bởi giáo trình được phân phối tới các trường mà không thu phí.
Tất cả điều này có thể diễn ra một phần là bởi một thay đổi lớn lao khác trong nền kinh tế nước Anh. Kể từ thời hoàng kim hậu Keynes trong những năm 1950, các nhà kinh tế học đang có xu hướng dịch chuyển sang Mỹ (có thể là vì mức lương cao hơn).
Tuy nhiên, vấn đề tài chính đã được giải quyết khi có một lượng vốn lớn được bơm vào dự án. Brevan Howard – quỹ đầu cơ với tài sản trị giá 40 tỷ USD – vừa thành lập trung tâm nghiên cứu tài chính mới ở Imperial College. Franklin Allen and Douglas Gale – các giáo sư đến từ Wharton Business School và ĐH New York – cũng sẽ tham gia dự án.
Dự án của bà Carlin cũng nhận được khá nhiều tiền ủng hộ từ các quỹ đầu cơ, với tiền đến từ Viện nghiên cứu kinh tế mới (INET) – một nhóm được thành lập bởi ông trùm quỹ đầu cơ George Soros vào năm 2009. Nguồn vốn của INET giờ đây tài trợ 4 triệu USD mỗi năm cho các dự án kinh tế, trong đó có thành lập trung tâm nghiên cứu tại ĐH Oxford. Keynes cũng đã từng là một nhà đầu tư năng động cho rằng vai trò của kinh tế học là để bảo vệ những thứ quý giá của cuộc sống như âm nhạc, hội họa và tri thức. Chắc chắn là ông sẽ đồng tình với dự án này.
Thu Hương