MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người siêu giàu ở Trung Quốc

05-04-2015 - 09:08 AM | Tài chính quốc tế

Hiện Trung Quốc có 17 ngàn người siêu giàu với tổng số tài sản khoảng 31 ngàn tỷ nhân dân tệ (NDT), bình quân mỗi người có 6,4 tỷ (trên 1 tỷ USD), phần lớn họ là các ông chủ các tập đoàn, công ty tư nhân.

Ngày 2/4 vừa qua, Viện nghiên cứu Hồ Nhuận, cơ quan chuyên nghiên cứu, xếp hạng những người giàu có ở Trung Quốc và Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc đã công bố “Báo cáo nghiên cứu điều tra về tầng lớp có tài sản tĩnh siêu cao 2014-2015”, cho biết hiện Trung Quốc có 17 ngàn người siêu giàu với tổng số tài sản khoảng 31 ngàn tỷ nhân dân tệ (NDT), bình quân mỗi người có 6,4 tỷ (trên 1 tỷ USD), phần lớn họ là các ông chủ các tập đoàn, công ty tư nhân.

Báo cáo cho biết, tuổi bình quân của những người siêu giàu này là 51, tập trung chủ yếu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và Triết Giang (chiếm 57%), 84% là nam, nữ 16%, gần 90% đã tốt nghiệp đại học hoặc là nghiên cứu sinh. Về nghề nghiệp, khoảng 1/4 là nhà sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là kinh doanh nhà đất và truyền thông kỹ thuật số (TMT).

Người siêu giàu - tài sản tối thiểu 2 tỷ nhân dân tệ

Khái niệm “Người siêu giàu” của Công ty Hồ Nhuận có sự thay đổi lớn. Năm 2008, từ này được dùng để chỉ những người có tài sản 700 triệu tệ, năm nay chỉ những người có tài sản 2 tỷ tệ trở lên mới được lọt vào danh sách; tài sản bình quân cũng tăng từ 3 tỷ lên 6,4 tỷ; số người có tài sản trên 10 tỷ tệ cũng đã tăng từ 50 lên 176.

Người giàu nhất Trung Quốc hiện nay là Mã Vân (tên tiếng Anh là Jack Ma), nhà sáng lập và là ông chủ của Tập đoàn Alibaba sở hữu trang web mua sắm Taobao lớn nhất Trung Quốc và Tmall với trên 230 triệu lượt khách truy cập cùng trên 11 tỷ đơn đặt hàng từ hơn 190 quốc gia mỗi năm, với tổng tài sản 150 tỷ tệ (25,5 tỷ USD).

Người giàu thứ hai là Vương Kiện Lâm - ông chủ Tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên chuyên kinh doanh khách sạn, du lịch và ngành giải trí với 145 tỷ tệ.

Đồng hạng ba là Lý Hà Quân, ông chủ Tập đoàn Hán Năng chuyên sản xuất pin mặt trời và Tông Khánh Hậu, ông chủ  Wahaha Group chuyên sản xuất nước giải khát và thực phẩm với 125 tỷ tệ. Lần lượt xếp từ thứ 5 trở đi là Mã Hóa Đằng, Chủ tịch của Tencent Holdings công ty internet lớn nhất Trung Quốc; vợ chồng Lý Ngạn Hồng và Mã Đông Mẫn, những người sáng lập và điều hành Baidu; Nghiêm Giới, ông chủ Tập đoàn Thái Bình Dương…

Điều đáng lưu ý, trong số 10 người giàu nhất có tới 5 người liên quan đến lĩnh vực IT(năm trước là 3), nghề kinh doanh nhà đất giảm từ 6 năm trước xuống còn 2; trong số 10 người này có 5 người tuổi dưới 45, người trẻ nhất là 28; 3 trong số 6 người đứng đầu sử dụng thành thạo tiếng Anh là Mã Vân, Lý Hà Quân và Lý Ngạn Hồng.

Người siêu giàu ngày càng mở rộng sản xuất

Tỷ phú Vương Kiện Lâm, đứng thứ 2 danh sách người siêu giàu

Bản báo cáo cho biết, những người siêu giàu đang nỗ lực để giữ và gia tăng tài sản, mở rộng sản xuất và phát triển công ty gia tộc. Hoạt động từ thiện cũng là một vấn đề rất được những người siêu giàu quan tâm.

Năm 2014 cũng là năm ghi nhận số tiền cao kỷ lục về đóng góp cho các quỹ từ thiện của những người siêu giàu: 100 người giàu nhất đóng góp số tiền tăng 264% so với năm 2013, bình quân mỗi người quyên 60,78 triệu, tăng 8,6%; mức tối thiểu để được ghi danh “Đại gia từ thiện” năm nay đã tăng từ 10 lên 12 triệu tệ, có 71 người lần đầu được ghi danh.; Người giàu nhất Mã Vân cũng đứng đầu danh sách “Đại gia từ thiện” với số tiền quyên góp lên tới 14,5 tỷ tệ. Ông Hoàng Hòa Luận, Chủ tịch Tập đoàn Thế kỷ Kim Nguyên đứng thứ hai với 580 triệu, người quyên nhiều thứ 3 là Vương Kiện Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Đạt.

Đáng chú ý, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ năm nay cũng có tên trong danh sách các đại gia từ thiện. Ông đã quyên góp 23,98 triệu tệ. Được biết đây là tiền nhuận bút của hai cuốn sách “Những bài thuyết giảng của Chu Dung Cơ” và “Những bài nói chuyện của Chu Dung Cơ ở Thượng Hải”.

Qua 35 năm cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã cất cánh với những thành tựu thần kỳ. Góp phần quan trọng làm nên điều thần kỳ ấy là ông chủ các doanh nghiệp tư nhân (Trung Quốc gọi là xí nghiệp dân doanh). Các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ, đã tạo nên lượng của cải vật chất khổng lồ, thu hút hơn 60% số người có việc làm trong xã hội, đồng thời tạo nên tầng lớp người siêu giàu có.

Theo Thu Thủy

PV

Tiền Phong

Trở lên trên