MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những thách thức đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN

18-09-2014 - 10:16 AM | Tài chính quốc tế

Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) được coi là một thị trường chung cho tất cả 10 nước thành viên, có một số nét giống như thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU).

Theo mạng tin "Asia Unbound", về mặt lý thuyết, AEC sẽ không chỉ đẩy mạnh thương mại nội khối mà còn thu hút đầu tư nước ngoài trong toàn khu vực. Tuy nhiên, tác dụng thúc đẩy thương mại bên trong ASEAN của AEC có thể không nhiều do cộng đồng này tiếp tục phải chịu tác động của các rào cản thương mại và các biện pháp bảo hộ phi thuế quan, trong bối cảnh hạ tầng vẫn còn thiếu thốn nghiêm trọng.

Theo học giả Philippines Eduardo Tadem, đến đầu năm 2015, ASEAN vẫn chưa thể dỡ bỏ khoảng 20% trong số những rào cản thương mại dự kiến sẽ được tháo gỡ, và trên thực tế điều này rất khó thành hiện thực. Các quốc gia chủ chốt của ASEAN, trừ Singapore, không bao giờ muốn cắt giảm các hạng mục thuế quan quan trọng nhất của mình. Rất nhiều trong số rào cản khó dỡ bỏ này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tiến trình tự do hóa thương mại nội khối, song chúng lại có thể gây "đau đớn" trong ngắn hạn cho các ngành công nghiệp quan trọng của các nước chủ chốt như Indonesia và Thái Lan.

Mặt khác, các thỏa thuận kinh tế trong khu vực đã không được chấp thuận thông qua trưng cầu dân ý hoặc bỏ phiếu công khai tại các nước thành viên. Một số nước thành viên AEC thậm chí vẫn chưa phải là những nền dân chủ đầy đủ, trong đó có cả đối tác nặng ký về thương mại như Malaysia và Thái Lan.

Indonesia - quốc gia tự do nhất trong ASEAN - là nước dường như sẽ được hưởng lợi ít nhất từ AEC và là nơi mà chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ về kinh tế đã trở thành một lực lượng hùng mạnh. Một nghiên cứu chung do Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức Lao động Quốc tế tiến hành mới đây cho thấy tại 10 quốc gia ASEAN, nền kinh tế Indonesia sẽ không tạo thêm được nhiều công ăn việc làm từ AEC, một phần vì nước này còn thiếu lao động có tay nghề cao, là lực lượng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc nới lỏng hạn chế đối với sự dịch chuyển lao động.

Về đầu tàu Thái Lan, giới phân tích cho rằng Chính phủ do quân đội kiểm soát khó có thể hoàn thành mục tiêu kinh tế tái thiết nền kinh tế và chuẩn bị để Thái Lan AEC vào năm 2015, như đã cam kết trong cương lĩnh mới công bố. Thực tế có đến 1/3 bộ trưởng trong số 33 thành viên Nội các của Tướng Prayuth hoàn toàn không có kinh nghiệm trong việc điều hành đất nước.

Như vậy, nếu quốc gia chủ chốt không đi đầu trong việc thúc đẩy thực hiện các kế hoạch tổng thể của AEC, thật khó để hình dung rằng Cộng đồng kinh tế này có thể đạt được mục tiêu liên kết đề ra.

Theo Trà Mi

huongnt

Báo Hải quan

Trở lên trên