Những trở ngại nào đối với “Hiệp định thương mại thế kỷ” TPP?
Trong bối cảnh các nước vẫn còn rất nhiều bất đồng và nội dung của TPP quá rộng, hiệp định này khó lòng đạt được theo đúng kế hoạch.
- 11-10-2013Trung Quốc và TPP hay phương án “Chú ngựa thành Troy”
- 25-09-2013Đàm phán TPP gặp trở ngại vì vấn đề thao túng tiền tệ
- 24-09-2012Vì sao Trung Quốc chưa tham gia TPP?
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà những người ủng hộ ưu ái gọi là “Hiệp định thương mại của thế kỷ 21” được kì vọng sẽ hoàn tất trong năm 2013. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước vẫn còn rất nhiều bất đồng và nội dung của TPP quá rộng, hiệp định này khó lòng đạt được theo đúng kế hoạch.
Ý tưởng về một dự án hội nhập kinh tế toàn diện giữa Singapore, New Zealand và Chile ra đời vào năm 2002 và được Tiểu vương quốc Brunei hưởng ứng. Sau 5 lần thương thảo, dự án đã hoàn thành vào năm 2005 với sự ra đời của thỏa thuận Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEP hay P4).
Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức vào tháng 1/2009, các cuộc thương lượng dự kiến diễn ra vào tháng 3/2009 đã bị hoãn lại. Tuy nhiên, trong chuyến công du châu Á đầu tiên vào tháng 11/2009, ông Obama đã tái xác nhận cam kết của Mỹ đối với TPP và vào ngày 14/12/2009, đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk thông báo với quốc hội nước này rằng Tổng thống Obama có kế hoạch tham gia các cuộc thương lượng về TPP “với mục tiêu xây dựng một hiệp ước khu vực tiêu chuẩn cao và qui mô lớn”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Nhật vào cuối năm 2010, ông Obama còn đề nghị các nước tạo ra những bước đột phá để thúc đẩy và mở rộng hợp tác nhằm sớm hoàn thành hiệp định giữa chín nước ban đầu. Tháng 3/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức ngỏ ý rằng Nhật Bản cũng muốn tham gia TPP và ngày 24/7 vừa qua Washington đã gỡ bỏ các rào cản để Nhật Bản có thể tiến bước vào các cuộc đàm phán về hiệp định này. Như vậy, đến nay 12 quốc gia đã chính thức tham gia vào tiến trình TPP gồm Australia, Brunei, Chile, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mê hi cô, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Từ đó tới nay, 19 vòng đàm phán về TPP đã được tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau.
Vào tháng 4/2013, các thành viên APEC đã đề xuất mục tiêu kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định TPP trong năm 2013 đồng thời kêu gọi tăng cường kết hợp hành động giữa Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các thỏa thuận hợp tác kinh tế như TPP.
Những trở ngại trên con đường tới “Hiệp định thương mại thế kỷ”
Một khó khăn trong tiến trình kí kết TPP bắt nguồn từ bản chất của hiệp định này có phạm vi điều chỉnh rất rộng. So với các hiệp định BTA, AFTA, và trong WTO, TPP mở rộng hơn rất nhiều. TPP là một thoả thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do bao gồm trao đổi hàng hoá, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền về vấn đề môi trường, lao động, chống tham nhũng...
So với các vòng đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đàm phán Hiệp định TPP có phạm vi rộng hơn nhiều. Đàm phán WTO chỉ về thị trường hàng hoá, dịch vụ, một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Với phạm vi điều chỉnh, kéo theo tầm ảnh hưởng ở qui mô lớn và phức tạp như vậy, các quốc gia tham gia đàm phán phải tính toán hết sức thận trọng.
Trở ngại khác là sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế của các thành viên. Do sự chênh lệch này, các nền kinh tế đang phát triển muốn được hưởng một số quy chế đặc biệt nhưng rất khó đạt được đồng thuận về các quy chế như vậy.
Ngoài ra, vừa qua các thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama đưa vấn đề “thao túng tiền tệ” ra bàn bạc tại các cuộc thảo luận về TPP. Điều này bắt nguồn từ việc các nhà sản xuất của nước Mỹ (đặc biệt là các công ty sản xuất xe hơi) tức giận vì đồng yên Nhật hạ giá dưới chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Shinzo Abe. Nếu chính quyền Obama “đầu hàng” trước áp lực của quốc hội Mỹ thì tiến trình đàm phán kí kết TPP sẽ khó tiến tới đích như kế hoạch.
Trong khi đó, một số quốc gia đang tham gia các cuộc đàm phán TPP lại e ngại rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng hiệp định này để áp đặt các quy định về mở rộng về bản quyền và bằng sáng chế lên các đối tác thương mại nhằm bảo vệ các doanh nghiệp và các nhà sáng chế của nước này. Đây là vấn đề đặc biệt nhạy cảm với các nền kinh tế đang phát triển như Malaysia và Việt Nam.
Theo Lê Dung