MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ của Nga có thực sự đáng lo ngại?

15-12-2014 - 15:28 PM | Tài chính quốc tế

Các chuyên gia phân tích cho rằng nợ chính phủ không phải là vấn đề đáng lo ngại ở Nga. Nợ của các doanh nghiệp mới là vấn đề đáng quan tâm.

Trong báo cáo được đưa ra tuần trước, công ty chứng khoán Wells Fargo nhận định giá dầu cùng với giá trị của đồng ruble giảm mạnh sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến các khoản nợ của chính phủ Nga, chí ít là trong ngắn hạn. Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP đang ở mức khá thấp và Nga vẫn có thể kiểm soát tình hình trong vài năm tới. 

Mặc dù số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho thấy một nửa nguồn thu ngân sách của chính phủ Nga đến từ dầu khí, đà giảm giá của đồng ruble đã bù đắp những hiệu ứng bất lợi khi doanh thu bằng USD được chuyển sang đồng nội tệ. 

Kể từ mùa hè năm nay, giá dầu thô biển Bắc đã giảm từ mức trên 115 USD/thùng xuống còn 61,08 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích còn dự báo giá sẽ giảm sâu hơn nữa. Trong khi đó đồng ruble đã giảm khoảng 70% kể từ cuối tháng 6, giao dịch ở quanh mức 58,2 ruble đổi 1 USD.

Wells Fargo lưu ý rằng chỉ có khoảng 38 tỷ USD nợ của chính phủ Nga được niêm yết bằng đồng USD. Trong số này chỉ có khoảng 6 tỷ USD gốc và lãi đáo hạn vào năm 2015, trong khi Nga có lượng dự trữ ngoại hối vào khoảng 400 tỷ USD. Vì 2/3 khoản vay của chính phủ niêm yết bằng đồng ruble, về mặt lý thuyết, NHTW Nga có thể tạo ra đủ ruble để trả nợ. 

Tuy nhiên, giải pháp này có nguy cơ sẽ gây ra lạm phát. Gần đây chi phí đi vay của Nga đã tăng lên với lợi suất trái phiếu niêm yết bằng đồng ruble dao động quanh mức 13% so với mức 8,33% hồi cuối tháng 6.

Cùng quan điểm với Wells Fargo, Credit Suisse Private Banking nhận định thặng dư cán cân vãng lai của Nga sẽ tăng lên trong năm 2015 nhờ lực cầu nội địa yếu và đồng ruble giảm giá. Trong một báo cáo được công bố tuần trước, Credit Suisse vẫn đặt triển vọng tích cực cho trái phiếu chính phủ Nga. 

Cả hai ngân hàng đều lo ngại về nợ của các doanh nghiệp Nga. “Bất kỳ công ty hoặc ngân hàng nào của Nga cần vay bằng ngoại tệ cũng sẽ bước vào thời kỳ khó khăn bởi họ không thể tạo ra đủ doanh thu ngoại tệ”, Wells Fargo nhận định. Ngân hàng này cũng lưu ý thêm rằng đà giảm giá của đồng ruble sẽ khiến giá trị ròng của doanh nghiệp giảm xuống. 

Các công ty Nga đang nợ công ty mẹ và các chi nhánh ở nước ngoài 160 tỷ USD, trong khi các ngân hàng Nga nợ khoảng 200 tỷ USD và các khu vực còn lại nợ khoảng 300 tỷ USD. 

Credit Suisse cũng nhận định trái phiếu do doanh nghiệp Nga phát hành sẽ biến động rất mạnh. Các lệnh cấm vận đang đè nặng lên triển vọng tương lai của các tài sản này. 

“Mặc dù tăng trưởng GDP có chiều hướng tích cực trong năm 2015, nợ xấu tại các ngân hàng Nga sẽ tăng lên. Dẫu vậy các ngân hàng lớn trực thuộc nhà nước Nga chắc chắn sẽ có biện pháp phòng vệ”, Credit Suisse lưu ý. 

Thanh Thanh

huongnt

CNBC

Trở lên trên