MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo Hy Lạp bao trùm chứng khoán toàn cầu

10-02-2015 - 07:25 AM | Tài chính quốc tế

Trước thềm các cuộc đàm phán với các chủ nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua tuyên bố quyết tâm thương lượng về việc chấm dứt chương trình thắt lưng buộc bụng. Nhu cầu về tài sản an toàn tăng lên trên toàn cầu.

Nội dung nổi bật:

- TTCK Mỹ giảm điểm trong khi vàng, dầu và đồng yên tăng giá.

- Nhà đầu tư tăng cường tìm kiếm tài sản an toàn trong bối cảnh Hy Lạp bác bỏ các điều kiện cứu trợ, làm dấy lên lo ngại về kịch bản một cuộc khủng hoảng mới sẽ xảy đến với Eurozone.


Kết thúc phiên hôm qua (9/2), chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, xuống còn 2.046,74 điểm, sau khi tăng tổng cộng 3% trong tuần trước. Cổ phiếu Johnson & Johnson giảm 1,3% sau khi NHTW Thụy Sĩ bán bớt số cổ phiếu y tế đang nắm giữ. Đà tăng của dầu khiến các cổ phiếu tiêu dùng giảm điểm. Cổ phiếu của Alcoa Inc. giảm 5,6% sau khi bị JPMorgan Chase & Co. hạ mức xếp hạng. Nhóm điện nước giảm 0,9% và giảm mạnh nhất.

Ở châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,7% trong khi lợi suất trái phiếu Hy Lạp kỳ hạn 3 năm tăng lên mức cao nhất kể từ khi nợ của nước này được tái cấu trúc năm 2012. Đây là phiên giảm đầu tiên trong 6 ngày với cổ phiếu của các công ty điện nước và nhà sản xuất xe hơi giảm mạnh nhất. Chứng khoán Italy và Tây Ban Nha giảm hơn 2% trong khi chứng khoán Đức giảm 1,6% sau khi công bố cán cân vãng lai thặng dư kỷ lục trong năm 2014.

Trước thềm các cuộc đàm phán với các chủ nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua tuyên bố quyết tâm thương lượng về việc chấm dứt chương trình thắt lưng buộc bụng.  Trái phiếu Hy Lạp giảm giá ngày thứ tư liên tiếp với lợi suất tăng vọt. Các tài sản Hy Lạp bị bán tháo đẩy tăng nhu cầu về tài sản an toàn ở châu Âu, với lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm giảm 2 điểm cơ bản, xuống còn 0,35%.

Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đo lường diễn biến của các thị trường mới nổi giảm ngày thứ hai liên tiếp với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan giảm hơn 0,6%. Chứng khoán Nga giảm 0,4%.

Đồng ruble của Nga tăng giá nhờ các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine. Trong khi đó Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ đang kiểm tra tất cả các lựa chọn để viện trợ cho Ukraine, trong đó có bao gồm cung cấp vũ khí để tự vệ.

Cũng trong hôm qua, OPEC hạ dự báo về nguồn cung dầu toàn cầu trong năm 2015 với nguyên nhân là do hoạt động khai thác ở Mỹ suy giảm. Dầu thô tăng 2,3% trong ngày tăng thứ 3 liên tiếp. Giá dầu WTI tăng lên mức 52,86 USD/thùng. Saudi Arabia, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, bị S&P hạ triển vọng xếp hạng xuống tiêu cực vì giá dầu giảm ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của nước này.

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích tại Citigroup, đến đầu quý II giá dầu có thể giảm hơn 50%, xuống mức 20 USD/thùng. “Hoạt động khai thác dầu ở Mỹ suy giảm không có nghĩa là tình trạng dư cung sẽ chấm dứt”, Edward Morse - trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Citigroup - nhận định.

Tú Anh

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên