MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc "xuất siêu" vốn năm 2014

07-01-2015 - 14:25 PM | Tài chính quốc tế

Tăng trưởng đầu tư ở nước ngoài là một phần của chiến lược kinh tế - chính trị dài hạn của Bắc Kinh.

Hôm thứ Tư (24/12/2014), Tân Hoa Xã cho hay, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố đầy hứa hẹn nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, Bắc Kinh có kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và hoạt động ở nước ngoài. 

Trong báo cáo có đoạn: "Động thái này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc trên trường Quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm thiết bị; thúc đẩy nâng cấp cấu trúc của thương mại nước ngoài; đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực tài chính".

Việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là một phần chiến dịch cải tổ nền kinh tế của Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc thực hiện xu hướng chuyển dịch ra khỏi nền kinh tế truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất trong nước và xuất khẩu. Với công suất trong nước dư thừa, và một kho dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng, Bắc Kinh đang thúc giục các doanh nghiệp trong nước xem xét và chuyển hoạt động và đầu tư ra nước ngoài.

Trên thực tế, theo dự tính của các quan chức Trung Quốc, trong năm 2014, lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vượt qua các khoản đầu tư trong nước. Theo số liệu do tạp chí Diplomat công bố, vốn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài lên đến gần 130 tỉ USD vào cuối năm 2014. Trong khi đầu tư trong nước chưa đạt được mức 118 tỷ USD của năm ngoái. 

Khi Chính phủ Trung Quốc thực thi "quy tắc mới" nhằm đối phó với tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, các doanh nghiệp trong nước được chính phủ nước này khuyến khích đầu tư vào các thị trường khác.

Mới đây, Reuters công bố báo cáo chi tiết hơn về những thay đổi chính sách tài chính của Trung Quốc. Đầu tiên, Bắc Kinh thực thi những chính sách thông thoáng hơn trên sàn giao dịch tiền tệ; điều này có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc có thể trao đổi tiền tệ mà không cần phải đăng ký với chính phủ. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho "các nhà sản xuất thiết bị lớn" đang cố gắng phát triển hoạt động của họ ngoài Trung Quốc.

Trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đặt ra những ưu tiên rõ ràng. Dữ liệu về các khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài do tổ chức Heritage Foundation công bố cho thấy, quốc gia này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng. 

Lĩnh vực này chiếm gần 400 tỷ USD trong tổng số 870 tỷ USD vốn đầu tư của Trung Quốc trên toàn thế giới. Trong đó chủ yếu là hoạt động thương mại liên quan đến dầu mỏ và khí đốt của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc ở nước ngoài. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày càng tập trung nhiều hơn vào năng lượng hạt nhân. Do nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc, nên việc quốc gia này tập trung nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các nguồn cung cấp năng lượng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Lĩnh vực lớn thứ hai mà Trung Quốc đầu tư ra ở nước ngoài là ngành giao thông vận tải, chiếm hơn 134 tỷ USD. Khu vực này được dự đoán sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm tới, khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy dự án Con đường tơ lụa. 

Từ việc xây dựng các tuyến đường sắt ở Đông Âu đến nâng cấp kênh đào Suez, dự án Con đường tơ lụa của Trung Quốc sẽ đòi hỏi một lượng đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kết nối Đông Á với châu Âu. Trong khi đó, được Bắc Kinh khuyến khích, các doanh nghiệp trong nước đang dẫn đầu việc thực thi những dự án này.


Đối với Trung Quốc, việc chuyển đổi vị thế từ nhận đầu tư sang một nhà đầu tư ròng là một bước chuyển biến hợp lý trong quá trình phát triển kinh tế. Bắc Kinh cũng nhìn thấy cơ hội chắc chắn để kết hợp giữa mục tiêu chiến lược và đầu tư ra nước ngoài. 

Tuy nhiên, tại một số quốc gia, các nhà đầu tư Trung Quốc đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn. Ngay sau khi một công ty Trung Quốc hoàn thành việc kí kết hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Mexico, hợp đồng này đã bị hủy bỏ do nghi ngờ tính hợp pháp và minh bạch của quá trình đấu thầu. 

Ngoài ra, hôm thứ Hai (22/12/2014), cuộc biểu tình chống mỏ đồng do Trung Quốc xây dựng tại Myanmar đã dẫn đến thương vong khi cảnh sát bắn chết một trong những người biểu tình. 

Những dự án khác của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với mối lo ngại về tác động xấu lên môi trường và cái nhìn kỳ thị của người dân địa phương, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
 
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến trình điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp tại nước ngoài, do họ đang thúc giục các doanh nghiệp trong nước toàn cầu hóa.

Theo Phương Lâm

huongnt

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên