MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở đất nước chỉ cần cầu nguyện

17-08-2015 - 19:14 PM | Tài chính quốc tế

Trữ lượng dầu mỏ dồi dào đã giúp Brunei trở thành quốc gia giàu thứ tư ở châu Á, với những khoản chi hậu hĩnh từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, giờ đây nguồn dự trữ dầu mỏ đang cạn kiệt và giá dầu sụt giảm mạnh và Brunei có khá ít giải pháp đối phó.

Giống như một bông hoa kỳ lạ của xứ sở nhiệt đới, hàng năm cung điện Ánh sáng (Light of Faith) chỉ mở cửa cho các “thần dân” của vua Brunei vào 3 ngày ngắn ngủi. Quần thể 1.800 phòng nằm bên rìa của Bandar Seri Begawan, thủ đô trầm tư của đất nước nhỏ bé Brunei. Trong phòng ăn tiệc rộng lớn của tòa lâu đài, hàng nghìn người dân Brunei sẽ ngấu nghiến nhồi nhét bữa sáng là món thịt bò nấu cari và gà nướng mật ong được đựng trong những chiếc đĩa dát vàng. Sau đó, những người đàn ông xếp hàng dài để diện kiến đức vua trong một căn phòng được trang trí bằng màu xanh lá cây và vàng (hoàng hậu sẽ gặp những người phụ nữ trong một căn phòng riêng biệt khác). Gia đình hoàng gia sẽ bắt tay với hàng nghìn người.

Năm nay, sự kiện này vừa diễn ra vào tháng trước để ăn mừng tháng ăn chay Ramadan kết thúc. Đây cũng là dịp để người Brunei tự hào về vua Hassanal Bolkiah, một trong những người giàu nhất thế giới và là một trong số ít các vị vua còn tồn tại trên thế giới này. Họ vẫn còn một dịp khác để ăn mừng: ngày 15/8 vừa qua đánh dấu sinh nhật thứ 69 của nhà vua.

Trữ lượng dầu mỏ dồi dào đã giúp Brunei trở thành quốc gia giàu thứ tư ở châu Á, với những khoản chi hậu hĩnh từ ngân sách nhà nước. Điều này cũng giúp xoa dịu những chỉ trích về một Chính phủ chuyên quyền. Tuy nhiên, giờ đây nguồn dự trữ dầu mỏ đang cạn kiệt và giá dầu sụt giảm mạnh và Brunei có khá ít giải pháp đối phó.

Nằm ở bờ Bắc của đảo Borneo, bao quanh là phần đất liền của Malaysia, chỉ đến năm 1984 Brunei mới giành được độc lập hoàn toàn từ Anh. Trước đó, vào những năm 1960, quốc đảo này từ chối gia nhập liên minh sau đó trở thành Malaysia. Dầu mỏ đã tràn trề ở đây từ những năm 1920.

Tuy nhiên Brunei không giống như các đế chế dầu mỏ ở vùng Vịnh. Thủ đô của nước này khá tĩnh mịch, không hào nhoáng và người dân tỏ vẻ rất hài lòng. Vua Brunei đã nắm quyền lãnh đạo từ năm 1967 và được công chúng yêu mến, đặc biệt là những người Mã Lai thiểu số - bộ phận chiếm phần lớn dân số nước này. Người dân Brunei không phải trả thuế thu nhập, được đi học miễn phí và có thể tiếp cận các khoản vay mua nhà giá rẻ từ các dự án nhà ở xã hội. Ở đây, đàn ông có thể tìm thấy những việc làm dễ chịu trong Chính phủ như tham dự các buổi cầu nguyện vào thứ Sáu hàng tuần. Tham dự các buổi lễ của hoàng gia là điều bắt buộc, trong khi làm việc chỉ là một lựa chọn.

Thế nhưng, giá dầu lao dốc đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí dễ chịu trong xã hội Brunei. Các giếng dầu đang dần cạn kiệt và chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị ngày càng tăng lên. Với những đồng dollar dầu mỏ trở nên khan hiếm hơn, nền kinh tế Brunei đã suy giảm trong 2 năm liên tiếp và năm nay có lẽ sẽ là năm thứ ba. Thâm hụt ngân sách cũng lên tới 16% GDP. IMF đã khuyến nghị Brunei nên giảm bớt các chi phí cho khu vực công, cắt trợ cấp giá nhiên liệu và dừng các dự án lớn, đi đôi với các giải pháp nâng sản lượng và tăng trưởng việc làm.

Hiện nay Brunei vẫn có những đệm đỡ từ dầu mỏ, nhưng nếu không có những phát hiện mới, dự trữ dầu mỏ và khí đốt của nước này sẽ cạn kiệt trong 24 năm tới (theo tính toán của BP). Lợi nhuận từ các khoản đầu tư ở nước ngoài có thể bù đắp một phần. Chuyên gia kinh tế người Pháp Marie-Sybille de Vienne ước tính Brunei hiện có tài sản trị giá ít nhất 170 tỷ USD, gấp 10 lần GDP. Đến năm 2030 tiền mặt từ các khoản đầu tư này có thể đóng góp 27-45%.

Cách đây 1 thập kỷ, Chính phủ Brunei đã nhất trí rằng giải pháp là thúc đẩy khu vực tư nhân (hiện chỉ chiếm khoảng 25% GDP) phát triển. Chính phủ đang xây dựng đường sá, cầu cống và các dự án điện để thu hút Nhật Bản và các nhà đầu tư khác nhằm khuyến khích sản xuất phát triển. Brunei cũng nhìn thấy tiềm năng trong mảng tài chính Hồi giáo. Chính phủ muốn biến Brunei thành một trung tâm nghiên cứu, chứng nhận và xuất khẩu các thực phẩm, thuốc men và mỹ phẩm Hồi giáo. Brunei cũng đã bàn bạc về việc thu hút khách du lịch tới những cánh rừng vẫn chưa bị biến thành các vùng trồng cây cọ dầu như nước láng giềng Malaysia.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Brunei đang bước đi chậm rãi. Tuy nhiên, có lẽ đây là cách nói lịch sử. Trong giai đoạn 2004 – 2014, nền kinh tế nước này có tốc độ tăng trưởng trung bình chưa đến 1% mỗi năm – thấp nhất ở Đông Nam Á và thấp hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng 6% của Chính phủ. Khu vực công trả lương cao vẫn tiếp tục đánh cắp tài năng của khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp ở Brunei vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đạo Hồi, và số khách du lịch vẫn không tăng lên.

Phải chăng chính những bế tắc này khiến nhà vua đưa ra những luật lệ hà khắc hơn. Một số người nghĩ rằng các hình phạt mới được đưa ra với mục đích dễ bề giải quyết những bất ổn chính trị. Một số người suy nghĩ đơn giản hơn rằng nhà vua – vốn có một tuổi trẻ dữ dội – đã trở nên mộ đạo hơn. Theo kinh thánh, Brunei chắc chắn sẽ tăng trưởng nhanh hơn vì thánh Allah sẽ phù hộ cho đất nước này tìm thấy dầu mỏ. Còn theo một nhà phân tích, chỉ cần tóm gọn mọi thứ đang diễn ra ở Brunei trong một câu nói: “Bạn không cần làm việc, chỉ cần cầu nguyện mà thôi”.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên