MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ôn Châu - thành phố kiểu mẫu bên bờ vực thẳm

13-06-2012 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Giờ đây Ôn Châu đang lao đao chống chọi lại suy thoái kinh tế, đặc biệt là từ khi chính phủ Trung Quốc siết chặt tín dụng đen - nguồn vốn chính của hơn 400.000 doanh nghiệp.

Jiang Xiangsong có 18 ngày để trả khoản nợ ngân hàng trị giá 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 314.000 USD) hoặc sẽ phải chấp nhận phá sản. Anh gần như bật khóc khi nhận ra rằng niềm hy vọng cuối cùng – sự giúp đỡ của văn phòng tín dụng Ôn Châu – cũng không giúp ích gì được. 

Hồi tháng 3, Chính phủ Trung Quốc đã chọn Ôn Châu là thành phố thí điểm chương trình tài trợ vốn cho các công ty tư nhân với việc thành lập Văn phòng vay vốn phục vụ các doanh nghiệp tư nhân. Cơ quan này được thiết kế với nhiệm vụ hạn chế tín dụng đen bằng cách kết nối các cá nhân thừa vốn với các doanh nghiệp cần vốn. 

Ở Ôn Châu có hơn 400.000 doanh nghiệp sản xuất mọi thứ, từ những đôi giày trên các con phố bụi bặm cho đến các sản phẩm giả da trong các nhà máy cũ kĩ. Rất nhiều trong số đó được tài trợ vốn bởi các tổ chức tín dụng đen bùng nổ ở Trung Quốc trong giai đoạn 2009 -2010. Động thái thắt chặt tín dụng để tránh sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản khiến tín dụng đen teo tóp và Ôn Châu và thành phố phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Lin Yunlai, doanh nhân 70 tuổi thừa nhận đây là năm tồi tệ nhất đối với xưởng sản xuất giày dép mà ông điều hành trong suốt 20 năm nay. “Nơi này đã từng đầy ắp khách mua hàng đến từ khắp mọi miền đất nước và giờ đây chỉ đầy ắp những đôi giày ế ẩm,” ông nói. 

Lin dự định sẽ ngừng kinh doanh sau khi bán hết 1.000 đôi giày còn thừa. Theo ước tính, doanh số chỉ ở mức 70.000 nhân dân tệ không đủ để trang trải chi phí đi thuê lên tới 160.000 nhân dân tệ. 

Khi Trung Quốc bắt đầu khuyến khích kinh tế tư nhân vào năm 1978, Ôn Châu là thành phố đi đầu. Sau 10 năm nước này gia nhập WTO, thành phố đã có tới 2,8 triệu công nhân nhập cư. 7 trong số 10 ngành kinh doanh dựa vào xuất khẩu, hầu hết là những ngành sử dụng nhiều lao động. Do đó Ôn Châu bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng châu Âu.  

Trên đường phố Wuma, con phố mua sắm nổi tiếng nhất của Ôn Châu, các biển quảng cáo giảm giá tràn ngập. Mùa giảm giá đã bắt đầu sớm hơn 1 tháng so với thường lệ. 

Theo Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Ôn Châu, lực cầu yếu ớt, giá nguyên liệu đầu vào và nhân công tăng cao cùng với sự đổ vỡ của mô hình tín dụng đen – nguồn cấp vốn dồi dào cho hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp khiến họ điêu đứng. 

Ông bổ sung thêm rằng hệ thống cho vay tư nhân ở Ôn Châu được xây dựng bởi lòng tin và  bây giờ lòng tin này đã biến mất. Theo ước tính, có tới khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ vốn ứ đọng ở Ôn Châu bởi không ai muốn cho người khác vay tiền. 

Theo Jiang, người đang điều hành nhà máy xuất khẩu vali tại Ôn Châu, năm ngoái anh không gặp vấn đề gì khi tìm kiếm nguồn vốn 2 triệu nhân dân tệ chỉ bằng một vài cú điện thoại cho bạn bè. Tuy nhiên, bây giờ không ai trả lời điện thoại của anh. Tuần trước, chủ đất đã từ chối cho phép anh kéo dài thời gian trả khoản tiền thuê trị giá 200.000 nhân dân tệ cho anh bởi chính người này cũng thiếu tiền sau khi đóng cửa nhà máy may. 

Với sự bùng nổ của các doanh nghiệp nhỏ, thành phố 9 triệu dân này đã trở thành trung tâm tín dụng đen lớn nhất của Trung Quốc. Tín dụng từ các tổ chức tín dụng đen chiếm tới 21,6% tổng các khoản vay trong tháng 4 trong khi tín dụng từ các ngân hàng thương mại chỉ ở con số khiêm tốn 7,65. 

Điều này kéo theo Ôn Châu là địa phương có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số 21 thành phố được theo dõi bởi ngân hàng phát triển Thâm Quyến.  Khoảng 60 chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn trong 2 tháng đầu năm nay và xu hướng này vẫn tiếp diễn. 

Với những gì diễn ra gần đây, có rất ít khả năng là một gói kích thích với qui mô lớn như những năm trước sẽ được thực hiện. Giờ đây, những người công nhân di cư đến Ôn Châu phải tìm kiếm một nơi khác không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng hoặc đơn giản là trở về quê hương. Anh Liu, một tài xế taxi đã làm việc ở Ôn Châu 10 năm nay cho biết gia đình 4 người của anh sẽ quay trở lại quê hương vào tuần tới. Mặc dù đã làm việc hơn 12 tiếng/ngày, thu nhập của anh vẫn bị tụt từ 5.000 nhân dân tệ xuống mức 3.000 nhân dân tệ/tháng. Riêng chi phí ăn uống đã chiếm 1 nửa và dù có tiết kiệm đến đâu anh cũng không thể mua được 1 căn hộ ở đây. 

Giờ đây, Ôn Châu đã không còn là thành phố của những giấc mơ. Hàng ngàn người như anh Liu không thể mua được nhà cho dù giá nhà đất đã giảm tới 12,3% trong tháng 4 – mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay. 

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên