MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Ông đã đi vào lịch sử như thế

24-03-2015 - 10:17 AM | Tài chính quốc tế

“Ngài Lý, ngài muốn lịch sử phán xét ngài như thế nào?”. Đó là câu hỏi thẳng thắn mà một nhóm nhà báo của tờ The Straits Times đã đặt ra cho ông Lý Quang Diệu.

Năm 2009, nhóm nhà báo đã tiến hành chuỗi phỏng vấn dài đến hơn 32 giờ với chủ đề chung là những kinh nghiệm quản lý của ông Lý Quang Diệu.

Chuỗi phỏng vấn này, khi in thành sách với tựa đề Những sự thật nghiệt ngã giữ Singapore tiến bước, kết thúc trong lời đề tựa bằng lời nhắn nhủ cuối cùng của ông Lý:

“Chính phủ phải được lãnh đạo bởi những con người có khả năng nhất, cống hiến nhất và mạnh mẽ nhất. Công tác sẽ phức tạp hơn với một lớp cử tri ngày càng được giáo dục hơn và tự tin hơn...

Song, điều sẽ chẳng bao giờ thay đổi vẫn là chỉ những người giỏi nhất mới có thể lãnh đạo và bảo vệ được Singapore”.

Ở thời điểm cuộc phỏng vấn, ông đã 87 tuổi, gần đất xa trời. Mới hai năm trước, quả tim “mỏi mệt” của ông đã buộc các bác sĩ phải gắn cho ông một máy tạo nhịp tim để hỗ trợ.

Phải hình dung ra cảnh ông trỏ tay vào đầu mình và nói: “Cái này còn tốt”, rồi trỏ xuống tim: “Còn cái này thì hết rồi” như tường thuật của nhóm nhà báo, để cảm nhận được rằng câu hỏi: “Ngài muốn lịch sử phán xét Ngài như thế nào?” chính là câu hỏi “xét mình” trước giờ lâm chung.

Thật bình thản và trung thực, ông “xét mình”: “Lúc đó thì tôi đã mất rồi. Sẽ có những tiếng nói khác nhau, những quan điểm khác nhau, song tôi vẫn đứng vững nhờ vào bảng thành tích của mình. Tôi đã làm một số điều cứng rắn gắt gao nhằm khiến mọi việc đâu ra đó.

Có thể một số người đã thất vọng vì những điều đó. Quá cứng rắn, song ở đó là biết bao cơ đồ dứt khoát phải thành công, thế đó! Và giờ đây ngày đã tàn, tôi đã được gì? Một Singapore thành đạt. Và tôi đã giũ bỏ những gì? Cuộc đời tôi”.

Mỗi thế kỷ, như thế kỷ 20 đã qua, không nhiều người đi vào lịch sử như là người dựng nước. Ông Lý Quang Diệu là một trong vài người hiếm hoi đó.

Có người cũng đã dựng nước (như ông Nelson Mandela và một Nam Phi không còn chế độ phân biệt chủng tộc apartheid), song xây dựng đất nước thành công thì chỉ mỗi ông Lý Quang Diệu là làm được kỳ tích đó.

Càng hiếm hoi hơn nữa những nhà lãnh đạo mà cho đến cuối đời vẫn chỉ một lòng trăn trở giùm hậu thế. Điều quan trọng, đối với ông, là đất nước Singapore sẽ tồn tại bền vững.

Đóng vai trò cố vấn cấp cao, lời khuyên của ông Lý cho thế hệ đương quyền là: “Mỗi chính phủ đều làm những gì có thể để giành được cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

Song, nếu không đem lại cho cử tri một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng như cho con cái họ niềm hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ chẳng tài nào thuyết phục được họ ủng hộ chúng ta. Đơn giản vậy thôi.

Hãy đem vấn đề này ra hỏi các bộ trưởng trẻ trong chính phủ, do lẽ đây sẽ là tương lai, và họ là những người sẽ quyết định. Còn tôi, tôi có thể buông xuôi hai tay bất cứ lúc nào. Tôi đã xong nhiệm vụ của tôi rồi”.

Tin là ông Lý Quang Diệu đã đi vào lịch sử như thế ấy...

>>>Dân Singapore gọi Lý Quang Diệu là “người cha vĩ đại”

Theo DANH ÐỨC

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên