“Ông trùm” dược chết đứng vì tham lam
Valeant đã trở thành một trong những cổ phiếu y tế đắt giá nhất trên thị trường vài năm gần đây nhờ cách mua thuốc độc quyền và đẩy giá lên trời.
- 22-10-2015Cổ phiếu hãng dược Valeant bị tấn công, phố Wall giằng co kịch tính
- 29-09-2015CEO 30 tuổi và 'màn phù phép' những công ty dược phẩm từ con số 0
- 02-06-2015Phố Wall tăng điểm nhờ cổ phiếu y tế
Thế rồi mọi chuyện sụp đổ trong thời gian ngắn.
Trong tuần lễ từ ngày 19 đến 23-10, giá cổ phiếu của Valeant mất 35% sau khi Công ty Citron Research (chuyên mua bán khống cổ phiếu) tung báo cáo, trong đó cáo buộc công ty dược của Canada gian lận tài chính thông qua nhà buôn thuốc Philidor.
Có lẽ đây là chuỗi đen tối mới nhất đối với Valeant và dự báo nó chưa dừng lại.
Chúng tôi chỉ muốn cảnh báo mọi người là có cháy trong nhà hát. Giờ đây đã tung ra thông tin rồi thì mọi người có cơ hội xem xét trong nhà hát có cháy không và họ đã chọn cách rời đi có thể vì có cháy thật
Hãng Citron ví von đáp trả cáo buộc của Valeant
Họa vô đơn chí
Vào ngày 18-9, Valeant còn trị giá đến 83 tỉ USD trên sàn New York. Nhưng đến ngày 26-10, con số đó chỉ còn lại 37,72 tỉ USD. Sự sụt giảm kinh khủng phản ánh sự chối bỏ của các nhà đầu tư đối với uy tín của Valeant.
Có thể nói mồi lửa thiêu đốt tài sản và cả uy tín của Valeant xuất phát từ dòng tweet đầy giận dữ của bà Hillary Clinton phát đi hôm 21-9 khi dọa lên kế hoạch hạ gục các công ty dược chuyên bóp cổ người dân. Đó là “Ngày thứ hai đen tối” cho Valeant khi công ty này mất hơn 15 tỉ USD chỉ sau câu nhắn vài mươi chữ ấy.
Thảm họa xuất hiện thêm đúng một tuần sau khi 18 nghị sĩ Đảng Dân chủ kêu gọi Valeant phải giảm giá hai loại thuốc trị bệnh tim. Chẳng là sau khi mua độc quyền được hai loại này thì Valeant đã cho tăng giá đến 525% và 212%. Sau lời kêu gọi của các nghị sĩ, giá trị của công ty Canada lại mất thêm 16,5%, chỉ còn 57 tỉ USD.
Mọi chuyện vẫn chưa dừng khi giới chính trị nhảy vào cuộc. Đến ngày 15-10, giới tư pháp Mỹ nhảy vào cuộc điều tra việc tăng giá của Valeant. Công ty lừng lẫy một thời lại mất giá vì nhà đầu tư hoảng sợ.
Đến ngày 21-10 là bản báo cáo tai hại của Citron Research cho rằng Valeant đã thổi phồng doanh số bằng cách tính luôn cả những phần thuốc chưa bán được (chỉ được nhà phân phối Philidor tích trữ trong kho).
Bản báo cáo được đặt một cái tên tai hại “Valeant có thể là vụ Enron mới của ngành dược?”. Cách ám chỉ đến vụ phá sản hồi năm 2001 của Tập đoàn Enron từng làm rúng động kinh tế Mỹ và thế giới.
“Citron tin rằng toàn bộ việc này là một vụ lừa đảo để tạo ra các hóa đơn nhằm đánh lừa các nhân viên kiểm toán và gian lận báo cáo tài chính” - báo cáo của Citron cho biết.
Năm ngày sau, Valeant mới phản ứng lại, cho rằng báo cáo của Citron “hoàn toàn sai lầm” và hứa lập ủy ban điều tra liên quan các cáo buộc.
“Báo cáo sai sự thật và gây hiểu lầm của Citron về Valeant là một nỗ lực để thao túng thị trường để giảm giá cổ phiếu của Valeant và nhờ đó kiếm tiền nhờ việc mua bán khống” - một phát ngôn viên của Valeant thậm chí còn cáo buộc lại.
Mất uy tín là mất tất cả
Reuters cho biết Valeant là một trong các hãng dược “tích cực nhất” trong việc tăng giá thuốc để thúc đẩy bán hàng - một chiến lược thu hút các nhà đầu tư bao gồm tỉ phú Bill Ackman.
Thế nên việc sụt giảm giá cổ phiếu của Valeant trong tuần trước khiến quỹ đầu cơ Pershing Square Capital Management của tỉ phú Ackman mất khoảng 550 triệu USD do nắm giữ 5,7% cổ phần trong Valeant.
Chính phủ Mỹ cũng đã yêu cầu Công ty Valeant cung cấp thông tin về giá các loại thuốc cũng như chương trình hỗ trợ các bệnh nhân bao gồm chi phí thuốc men của công ty dược Canada này.
Trong cuộc họp với các nhà đầu tư, Valeant đã bảo vệ giá thuốc của hãng và từ chối bình luận thêm về cuộc điều tra liên bang Mỹ trong khi nhấn mạnh rằng công ty đã hợp tác với các nhà chức trách Mỹ.
Giám đốc điều hành Valeant, ông Michael Pearson tuyên bố với các nhà đầu tư rằng công ty đã tăng trưởng nhờ vào số lượng bán hàng và không còn phụ thuộc vào việc tăng giá nữa.
Ông Pearson cũng cam kết sẽ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thuốc nhiều hơn trong năm 2016.
Nhưng tất cả dường như đã quá muộn. Báo Los Angeles Times ngày 31-10 cho biết dược sĩ Camarillo Russell Reitz và luật sư của ông đã nộp đơn kiện chống lại Valeant lên tòa án Los Angeles khi gọi hãng này là “một kẻ lừa đảo lớn”.
Theo đó Reitz đã đồng ý bán nhà thuốc R&O Pharmacy của ông cho một công ty do Hãng Philidor lập ra. Cho đến trước khi dược sĩ Reitz nộp đơn kiện, rất ít người biết về mối quan hệ giữa Valeant và Philidor.
Tuy nhiên dưới áp lực của các nhà đầu tư giận dữ, Valeant đã tiết lộ rằng Philidor đang mở rộng “mạng lưới các nhà thuốc” toàn quốc.
Trong đơn nộp cho tòa án, ông Reitz thông tin chi tiết việc ông phát hiện Philidor sử dụng mã số dược phẩm quốc gia của ông trên đơn thuốc của các nhà thuốc khác. Thậm chí một số toa thuốc còn tồn tại trước khi ông Reitz ký hợp đồng bán R&O hồi tháng 12 năm ngoái.
Ông Reitz tin rằng Philidor ký hợp đồng mua nhà thuốc của ông bởi vì công ty này cần giấy phép của ông tại 34 bang của nước Mỹ cũng như các hợp đồng ông đàm phán với các công ty bảo hiểm.
Tuổi trẻ