MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Paul Singer - "Kền kền rỉa xác Argentina"

01-07-2014 - 19:13 PM | Tài chính quốc tế

Argentina đang đứng trên bờ vực phá sản giống như năm 2011. Tuy nhiên, đứng sau vụ việc lần này là ông trùm quỹ đầu cơ nổi tiếng với chiến lược kiếm bộn tiền từ những khoản nợ xấu.

Theo luật Mỹ, nếu như Argentina không thể hoàn trả số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ USD cho một nhóm các nhà quản lý quỹ đầu cơ trước ngày 30/7, nước này sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ. Nếu Argentina vỡ nợ, vì nhà đầu tư sẽ mất hết niềm tin vào khả năng trả nợ của Argentina, lãi suất mà chính phủ nước này phải trả sẽ tăng lên. Argentina buộc phải in tiền để trả cho các chủ nợ và cuối cùng nền kinh tế lại có thể lâm vào khủng hoảng.

Trong trường hợp Argentina có thể trả được nợ vào ngày 30/7 tới, các trái chủ khác cũng sẽ kiện nước này ra tòa. Số nợ mà Argentina phải trả có thể lên đến 15 tỷ USD – bằng một nửa số tiền mà Argentina đang có trong ngân hàng trung ương.


Vậy thì Argentina phải làm gì? Tại sao Argentina lại lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như vậy?

Số trái phiếu được nhắc đến ở trên là trái phiếu do chính phủ Argentina phát hành năm 2001, khi đất nước này đang trên bờ sụp đổ. Đối với ông trùm quỹ đầu cơ Paul Singer, đây chính là cơ hội để triển khai một chiến lược đã trở nên quá quen thuộc.

Đây là cách thức hoạt động của chiến lược này:

Nhà đầu tư mua “rác” – những chứng khoán gần như không còn giá trị. Họ đặt cược rằng cuối cùng thì bên phát hành nợ sẽ có thể đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Khi đó, giá trị của chứng khoán sẽ tăng lên và nhà đầu tư hưởng lợi.

Hơn nữa, bên phát hành nợ cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ, có nghĩa là đàm phán với các chủ nợ để giảm mức phải trả. Vì nhận được một chút tiền còn hơn là không nhận được gì, các chủ nợ thường sẵn sàng đàm phán. 

Nhưng chiến thuật của Paul Singer phức tạp hơn.

Ông là người dẫn đầu một nhóm các quỹ đầu cơ (được biết đến tên gọi NML) cố gắng thu về 100 cent trên mỗi USD nợ của Argentina trong khi các nhà đầu tư khác chấp nhận mất 70%. Đối với Argentina, Paul Singer giống như “một chú kền kền”.

Trên thực tế, Singer có thể được coi là “ông vua” của chiến thuật này. Năm 1995, ông mua nợ của ngân hàng Peruvian với giá 20 triệu USD và sau đó theo kiện đến cùng, cho tới khi nhận được khoản bồi thường 58 triệu USD. Năm 2002 và 2003, Singer nhận được hơn 100 triệu USD tiền lãi sau khi mua 30 triệu USD nợ của Congo-Brazzaville. 

Tuy nhiên, trường hợp Argentina không dễ dàng như vậy. Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner từng phát biểu rằng Argentina sẽ không chịu đầu hàng.

Thế nhưng, Argentina kháng cáo lên tòa án Mỹ và cuối cùng đã thua cuộc. Hiện nay Argentina đã phải đồng ý đàm phán với NML. Singer đã kiện Argentina trên cơ sở điều khoản "pari passu", nghĩa là nếu Argentina đã trả nợ, dù một phần, cho các chủ nợ khác thì cũng phải có nghĩa vụ trả cho NML dù NML đòi trả cao hơn (cả vốn lẫn lãi). 

Như vậy, Singer đã cho cả thế giới thấy ông có thể làm những gì. Thực tế là ông đã từng bắt giữ một chiếc tàu của hải quân Argentina năm 2012 ở Ghana. 

Giờ đây, Argentina thua cuộc và cho biết sẽ đàm phán với NML. Theo phán quyết của tòa, Argentina phải trả tất cả các khoản nợ trước ngày 30/7. Argentina vẫn còn thời gian, nhưng có vẻ như họ đã cùng đường.


Thu Hương

huongnt

Business Insider

Trở lên trên