MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Philippines: Siêu bão xóa sạch dấu vết cuộc sống hiện đại

11-11-2013 - 08:30 AM | Tài chính quốc tế

Ước tính, ít nhất 10.000 người thiệt mạng, hàng nghìn người mất tích vì bão Haiyan.

Nhà cửa bị san phẳng, cột điện đổ ngổn ngang, ô tô bị lật ngửa dồn từng đống…, khung cảnh tan hoang hệt trận sóng thần khủng khiếp năm 2004.

Philippines liên tục hứng chịu thảm họa thiên nhiên, với khoảng 20 trận bão lớn mỗi năm, chưa kể động đất và núi lửa phun trào, nhưng trận bão “quái vật” lần này khiến cả đất nước 96 triệu dân bàng hoàng.

Xóa sạch dấu vết cuộc sống hiện đại

Cảnh sát trưởng khu vực Elmer Soria nói rằng, sau cuộc họp với tỉnh trưởng Leyte, ông Dominic Petilla, ông được biết số người chết vì bão ở tỉnh này là khoảng 10.000 người, phần lớn vì chết đuối và nhà sập. Con số được đưa ra dựa trên báo cáo của chính quyền cấp dưới tại các khu vực mà bão Haiyan đổ bộ hôm thứ Sáu tuần trước.

Ông Tecson Lim, quan chức thành phố Tacloban, nói số người chết ở riêng thành phố này cũng có thể lên tới 10.000 người. Tacloban là thủ phủ có diện tích lớn nhất của tỉnh Leyte, nơi sinh sống của khoảng 200.000 người. Khoảng 400 thi thể đã được tìm thấy và “vẫn còn nhiều thi thể kẹt dưới đống đổ nát”, ông Lim nói.

Chính quyền hôm qua tổ chức lễ chôn tập thể ở thị trấn Palo, gần Tacloban. Đảo Samar gần đó cũng bị ảnh hưởng nặng, với khoảng 300 người chết, 2.000 người mất tích. Nếu con số 10.000 người chết được xác nhận, bão Haiyan sẽ là thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Philippines hiện đại.

Bão Haiyan quét qua 6 đảo trung tâm của Philippines hôm thứ Sáu, san phẳng nhiều tòa nhà và quét sạch những ngôi nhà gần bờ biển với sức gió lên tới 235km/giờ, với nhiều cơn gió có tốc độ lên tới 275km/giờ. Khoảng 80% diện tích của tỉnh Leyte bị phá hủy, theo AP. “Công tác cứu hộ vẫn đang được triển khai.

Chúng tôi dự đoán số lượng thương vong sẽ rất cao”, Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas phát biểu sau khi đến thăm Tacloban hôm thứ Bảy. “Tất cả mọi hệ thống, mọi dấu vết của cuộc sống hiện đại, gồm giao thông liên lạc, điện, nước, đều hỏng hết. Hệ thống thông tin liên lạc cũng sập, nên không còn cách nào để giao tiếp với dân chúng”.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nói rằng, ưu tiên của chính phủ là phục hồi hệ thống điện và thông tin liên lạc ở những vùng bị cô lập để tạo điều kiện cho cứu trợ hàng hóa và chăm sóc y tế cho các nạn nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin kể rằng, Tổng thống Aquino “không nói được gì” khi nghe ông báo cáo về tình hình ở Tacloban.

Chính phủ Philippines đã điều động khẩn cấp 15.000 binh sĩ tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, với máy bay vận tải và trực thăng chở lương thực và hàng cứu trợ.

Sân bay Tacloban, cách thủ đô Manila khoảng 580km về phía đông nam, trông không khác gì bãi bùn lầy chứa đầy mảnh vỡ, rác rưởi, những tấm lợp mái rách bươm và ôtô bị hất úp ngược.

Các ô cửa số bằng kính của tòa tháp sân bay bị vỡ tan tành, nhưng những chiếc máy bay trực thăng vẫn bận rộn cất hạ cánh để cứu trợ. Những ngôi nhà trải dài trên quãng đường khoảng 7km dẫn tới Tacloban đều bị thổi bay và cuốn đi mất.

Cướp bóc vì đói

“Tacloban bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều người đã mất trí vì đói hoặc mất người thân”, giáo viên trung học Andrew Pomeda nói với phóng viên AFP. “Mọi người trở nên rất bạo lực. Họ cướp bóc các cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại chỉ để tìm thức ăn, gạo, sữa...

Tôi sợ rằng chỉ trong vòng 1 tuần nữa, người ta có thể giết lẫn nhau vì đói”, Pomeda nói. Hai trung tâm mua sắm lớn nhất thành phố và các cửa hàng bị người dân xông vào cướp bóc. Cảnh sát phải canh các kho nhiên liệu để tránh bị cướp. Hôm qua, 100 đơn vị cảnh sát đặc biệt được huy động đến đây để khôi phục trật tự.

Gió mạnh đến mức người dân Tacloban di dời đến trường học gần đó để trú. Tuy nhiên, dù đã được chằng chống, nhưng toàn bộ ngôi trường đã sập hoàn toàn, quan chức địa phương cho biết. Vẫn chưa rõ bao nhiêu người trong trường này thiệt mạng. “Tôi không đủ từ ngữ để diễn tả hết sự tàn phá. Thật kinh khủng. Đúng là một bi kịch lớn của nhân loại”, Bộ trưởng Roxas nói.

Một người dân Tacloban kể ông và một số người khác tạm trú trong một chiếc xe Jeep đang đậu ven đường để tránh bão, nhưng chiếc xe này bị một bức tường nước cuốn phăng đi. “Cột nước cao như cây dừa. Tôi chui ra khỏi chiếc xe Jeep và nhận ra mình đã bị dòng nước điên cuồng cuốn phăng đi cùng cây cối, nhà cửa”, ông Sandy Torotoro, 44 tuổi, kể.

Trận bão đi qua, người dân Philippines đang đào bới tìm kiếm thi thể người thân kẹt dưới đống nhà sập hoặc dưới cây cối đổ nát trên phố. Phóng viên hiện trường Ted Failon của đài truyền hình ABS-CBN nói trận bão “không khác gì sóng thần ở Nhật Bản”.

Ông Marvin Isana kể với phóng viên CNN rằng, ba con gái 8, 13 và 15 tuổi của ông bị trận bão giằng khỏi tay ông. Ông và vợ mình, bà Loretta Isanan, đã tìm thấy thi thể của hai con, nhưng vẫn chưa thấy con gái lớn đâu.

Ông Tim Ticar, quan chức ngành du lịch Philippines, cho biết, 6.000 du khách nước ngoài và địa phương đang bị kẹt tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Boracay, một trong những nơi nằm trên đường đi của bão. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 1,7 triệu trẻ em đang sống ở các khu vực chịu ảnh hưởng của bão.

Theo TRÚC QUỲNH

thanhhuong

Tiền Phong

Trở lên trên