Phương Tây chưa tìm được "viên đạn bạc" nhằm vào Nga
Có vẻ như một loạt lệnh cấm vận mà phương Tây đưa ra từ trước tới nay chưa thể khiến ông Putin thay đổi.
- 29-08-2014Obama, Merkel cảnh báo tăng cường trừng phạt Nga
- 27-08-2014Các ông lớn "vạ lây" vì căng thẳng Nga - Mỹ
- 26-08-2014Nga "bơm" 6,6 tỷ USD cứu 2 ngân hàng ảnh hưởng bởi trừng phạt
- 25-08-2014Nga ngừng nhập khẩu nông sản: Nước nào thiệt hại nặng nề nhất?
Trong bối cảnh căng thẳng ở Nga leo thang, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang tìm kiếm một lệnh trừng phạt có thể khiến Tổng thống Putin suy nghĩ lại. Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về một vòng trừng phạt mới vào cuối tuần này. Tuy nhiên, khiến ông Putin thay đổi là điều mà có vẻ như một loạt lệnh cấm vận mà phương Tây đưa ra từ trước tới nay chưa thể làm được.
Kể từ tháng 3 tới nay, Mỹ và EU đã đưa ra nhiều lệnh trừng phạt được cho là khiến Nga phải trả giá đắt. Thực tế lại cho thấy những biện pháp này chỉ làm tổn hại chút ít đến các công dân Nga và thậm chí là doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.
(Xem thêm: Mỹ và EU "cố đấm ăn xôi")
Gary Hufbauer – chuyên gia về cấm vận tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson – nhận định “viên đạn bạc” nhằm vào Nga mà phương Tây đang tìm kiếm bấy lâu nay dường như không tồn tại.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho rằng Mỹ đã thất bại trong nỗ lực trừng phạt Nga. Những biện pháp trừng phạt mới phải sâu hơn và rộng hơn nhưng cũng sẽ mang lại những hậu quả không thể tránh được với kinh tế châu Âu.
Tháng trước, Mỹ và EU đã mở rộng các biện pháp cấm vận áp đặt lên nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Nga. Ngày 29/7, EU nhất trí cấm các ngân hàng trực thuộc nhà nước của Nga bán cổ phiếu hoặc trái phiếu ở châu Âu, giới hạn xuất khẩu các thiết bị dùng để hiện đại ngành khai thác dầu khí sang Nga và cấm bán công nghệ cho Nga với mục đích sử dụng trong quân sự. Mỹ cũng hạn chế cung cấp vốn cho một số ngân hàng Nga, “ông lớn” dầu mỏ Rosneft và nhà sản xuất khí tự nhiên Novatek.
Theo Hufbauer, các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU chỉ tác động trực tiếp lên chưa đến 1% trong sản lượng kinh tế của Nga. Mức này không đủ để buộc ông Putin thay đổi ý định hoặc khiến các doanh nhân thân cận với ông Putin lo ngại, mặc dù đồng ruble đã giảm xuống mức giá thấp kỷ lục so với USD. Trong khi đó, mức độ tác động của các biện pháp trả đũa của Nga lên eurozone cao gấp 10 lần.
Giới phân tích cho rằng cách hiệu quả nhất để tấn công Nga là cắt hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên và cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Hơn nữa, Mỹ và EU đã bỏ qua một mục tiêu lớn: Gazprom. Tuy nhiên, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của Đức và 1/4 của Italy (theo báo cáo của IMF) và do đó đánh vào Gazprom sẽ khiến căng thẳng kinh tế bước lên một nấc thang mới. Cắt nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ khiến chi phí năng lượng ở Tây Âu tăng gấp đôi. Đây là gánh nặng lớn cho một nền kinh tế đang trì trệ với tỷ lệ thất nghiệp hơn 10%.
Phương Tây cũng có thể lựa chọn biện pháp giống như đã áp dụng với Iran: loại bỏ các ngân hàng Iran khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trên thực tế, chính phủ Nga đã lo lắng về điều này và lên dự thảo thành lập một hệ thống riêng cho các ngân hàng Nga.
Trong khi đó, Ukraine là nơi thiệt hại nặng nề nhất. Miền Đông nước này vẫn chìm trong hỗn loạn trong khi nền kinh tế đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Thu Hương