MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Qua rồi thời kỳ nhân dân tệ giá rẻ

15-06-2013 - 16:07 PM | Tài chính quốc tế

Đồng nhân dân tệ tăng giá là điều kiện để Trung Quốc nới lỏng kiểm soát vốn.

Cách đây 10 năm, đồng nhân dân tệ bắt đầu trở thành mối lo ngại của kinh tế toàn cầu. Tháng 6/2003, cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ John Snow công khai cho rằng Trung Quốc nên nới lỏng sự quản lý đối với đồng nhân dân tệ (khi đó, đồng nhân dân tệ được neo ở mức giá 8,28 nhân dân tệ đổi 1 USD).

Một tháng sau đó, bốn thượng nghị sĩ viết một lá thư, giận dữ yêu cầu ông Snow mở cuộc điều tra buộc tội Trung Quốc “bóp méo tiền tệ”. Theo Charles Schumer – thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ New York, Trung Quốc đã cố ý hạ thấp giá trị của đồng nội tệ nhằm biến tất cả các hàng hóa xuất khẩu thành những hàng hóa rẻ nhất. 

Một thập kỷ sau, ông Schumer và các thượng nghị sĩ khác vẫn tranh luận về đồng tiền này. Tuần trước, 8 người kiến nghị áp dụng thuế đánh vào các nước bóp méo tiền tệ. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Được thả nổi có kiểm soát với biên độ dao động 1% so với tỷ giá tham khảo được NHTW đưa ra mỗi sáng, hôm 27/5 vừa qua, đồng nhân dân tệ được giao dịch ở mức 6,12 nhân dân tệ/USD, mạnh hơn 35% so với tỷ giá hồi tháng 1/2003. 

Kể từ tháng 3 đến nay, đồng nhân dân tệ liên tục tăng giá. So với đồng yên Nhật, đà tăng còn mạnh mẽ hơn. Kể từ tháng 11 năm ngoái, khi thị trường bắt đầu dự đoán Nhật Bản sẽ nới lỏng tiền tệ không giới hạn, đồng nhân dân tệ đã tăng giá hơn 20% so với đồng yên ngày càng suy yếu.

Sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường thế giới không chỉ phụ thuộc vào tỷ giá mà còn phụ thuộc vào giá cả hàng hóa cũng như chi phí tiền lương ở chính Trung Quốc. Ngân hàng thanh toán quốc tế tính toán tỷ giá thực cho 61 quốc gia với mức lạm phát khác nhau. Theo đó, kể từ năm 2010, tỷ giá thực của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn tất cả các nước còn lại (ngoại trừ Venezuela). 

Chi phí tiền lương ở Trung Quốc cũng tăng mạnh hơn so với các đối tác thương mại. Tờ The Economist đã tính toán một tỷ giá thực thay thế với các nhân tố được sử dụng bao gồm thương mại với Mỹ, eurozone và Nhật Bản và so sánh tiền lương giữa 4 nước. Theo phương pháp này,  tỷ giá thực của Trung Quốc đã tăng tới gần 50% kể từ khi Snow và Schumer bắt đầu chỉ trích đồng nhân dân tệ cách đây 10 năm. Thậm chí, một vài chuyên gia kinh tế như Diana Choyleva (đến từ Lombard Street Research) còn cho rằng đồng nhân dân tệ hiện được định giá cao hơn giá trị thực.

Đà tăng của đồng nhân dân tệ cũng xuất phát từ nhiều yếu tố mang tính chất lịch sử, ví dụ như kinh tế Trung Quốc tăng trưởng quá nhanh, luật lao động chặt chẽ hơn và số dân trong độ tuổi lao động sụt giảm. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá trong thời gian gần đây là kỳ lạ và không thể không chú ý. Trung Quốc đang trải qua thời kỳ tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng, lạm phát sụt giảm (2,1%) và xuất khẩu trì trệ (chỉ tăng 1% trong tháng 5). 

Vậy thì, điều gì khiến đồng nhân dân tệ đột ngột tăng giá và tại sao các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lại có thể chịu đựng điều này? Peng Wensheng – chuyên gia đến từ ngân hàng CICC – lập luận rằng điều này phản ánh lãi suất ở Trung Quốc cao hơn bất kỳ nơi nào khác. Đồng thời, nỗi sợ phá giá đồng nhân dân tệ cũng đã biến mất. Lãi suất cơ bản ở Thượng Hải hiện đang cao hơn 3 – 5 điểm phần trăm so với lãi suất tương tự ở London. Năm ngoái, khi nền kinh tế bắt đầu suy giảm và Trung Quốc đang ở trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, lãi suất cao được bù đắp bằng nỗi sợ đồng nhân dân tệ sẽ hạ giá. Tuy nhiên, đến năm nay, dòng vốn ngắn hạn đã quay trở lại Trung Quốc. 

Đó là lý giải về phần nguồn vốn, còn về phía chính phủ thì sao? Vì biến động của đồng nhân dân tệ được neo vào tỷ giá tham khảo hàng ngày, NHTW Trung Quốc có thể tác động mạnh vào biến động của đồng tiền này bằng cách điều chỉnh tỷ giá tham khảo.

Theo Mark Williams (chuyên gia đến từ Capital Economics), thái độ của chính phủ Trung Quốc thể hiện tham vọng cải cách lớn lao của thế hệ lãnh đạo mới. Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khẳng định kế hoạch nới lỏng kiểm soát vốn sẽ được đẩy mạnh vào cuối năm nay. Nếu đồng nhân dân tệ ở mức quá thấp so với giá trị thực, động thái nới lỏng có thể khiến dòng vốn ngoại mất ổn định. Xét theo lập luận trên, chính phủ Trung Quốc sẽ coi đồng nhân dân tệ mạnh hơn là một tiền đề cần thiết để nới lỏng kiểm soát. 

Nếu đúng là như vậy, trong những tháng gần đây, đồng nhân dân tệ đã biến động đúng như kế hoạch đề ra. Trong vài tuần gần đây, các nhà quản lý cũng chỉ trích dòng tiền nóng đổ vào Trung Quốc bị giả danh dưới dạng lợi nhuận từ xuất khẩu. Và, đà tăng của đồng nhân dân tệ cũng đang giảm xuống. 
Trung Quốc luôn loại bỏ kiểm soát vốn một cách chậm rãi và chắc chắn. Đã 10 năm kể từ khi đồng nhân dân tệ trở thành vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu. Có lẽ, sẽ mất thêm 10 năm nữa để đồng tiền này có thể trở thành đồng tiền được thả lỏng hoàn toàn. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên