MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quân chính phủ và ly khai giao tranh sát nơi điều tra MH17

28-07-2014 - 09:51 AM | Tài chính quốc tế

Ngày 27-7, lực lượng cảnh sát Hà Lan và Úc đã phải từ bỏ kế hoạch tới điều tra ở hiện trường vụ rơi máy bay MH17 do giao tranh giữa lực lượng Chính phủ Ukraine và phiến quân ly khai.

Theo báo Guardian, một người phát ngôn Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thông báo nhóm cảnh sát và chuyên gia từ Hà Lan và Úc không thể tiếp cận được hiện trường vụ máy bay rơi do nguy cơ an ninh. “Giao tranh đang xảy ra. Chúng tôi không thể chấp nhận mối nguy hiểm này. Tình hình là không thể chấp nhận được. Giao tranh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiện trường” - ông Alexander Hug thuộc OSCE khẳng định.

Một số nguồn tin cho biết những đợt nã pháo đã xảy ra ngay gần địa điểm máy bay MH17 rơi ở làng Grabove thuộc Donetsk. Trước đó, quân đội Ukraine tuyên bố quyết tâm chiếm lại thành phố Donetsk, một địa điểm trọng yếu của phe ly khai. Hiện lực lượng Kiev đang tấn công dữ dội thành phố Horlivka và nếu chiếm được địa điểm này thì chỉ còn cách Donetsk khoảng vài kilômet. Trong những ngày qua quân đội đã đẩy các tay súng ly khai ra khỏi 10 làng và thị trấn xung quanh Donetsk.

Chắc chắn là tên lửa bắn máy bay

Pháp tổ chức quốc tang ba ngày

Theo AFP, hôm qua Tổng thống Pháp François Hollande cho biết các tòa nhà chính phủ trên toàn quốc sẽ treo cờ rủ trong ba ngày từ hôm nay 28-7 để đất nước tưởng nhớ các nạn nhân chuyến bay của Air Algerie rơi tại Mali. Các nhân viên điều tra Pháp mô tả cảnh các mảnh vỡ méo mó

và cháy rụi của máy bay ở hiện trường. Cuộc điều tra dự kiến sẽ kéo dài vài ngày. Bộ Nội vụ Pháp đánh giá thời tiết xấu có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn.

Trước khi nhóm cảnh sát Úc và Hà Lan từ bỏ kế hoạch tới hiện trường, văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo đã đạt thỏa thuận với “Thủ tướng” Alexander Borodai của tổ chức “Cộng hòa nhân dân Donetsk” về việc đưa các chuyên gia tới làng Grabove. Phía Kuala Lumpur nhấn mạnh ông Borodai cam kết sẽ đảm bảo sự an toàn cho các chuyên gia và cảnh sát từ Hà Lan và Úc. Nhiều khả năng trong hôm nay nhóm chuyên gia, cảnh sát Hà Lan và Úc sẽ lại tìm cách đến hiện trường vụ án.

Hôm qua, Thủ tướng Úc Tony Abbott thông báo nhóm 49 sĩ quan gồm 38 người Hà Lan và 11 người Úc sẽ có mặt để đảm bảo an ninh ở địa điểm máy bay rơi. Ông Abbott ước tính hoạt động điều tra sẽ kéo dài khoảng ba tuần. “Đây là sứ mệnh nguy hiểm nhưng cách an toàn nhất để thực hiện là một chiến dịch nhân đạo phi vũ trang do cảnh sát chỉ huy” - ông Abbott nhấn mạnh. Malaysia cũng sẽ cử 68 cảnh sát tới làng Grabove từ ngày 30-7.

CBS News đưa tin mới đây các quan chức châu Âu tiết lộ dữ liệu từ hộp đen của chuyến bay MH17 cho thấy chiếc Boeing 777 đã bị tên lửa bắn rơi. Các dữ liệu chỉ ra tình trạng “giảm áp suất đột ngột do nổ”. Trước đó Hãng tư vấn quốc phòng IHS Jane’s cũng phân tích hình ảnh thân máy bay có nhiều lỗ thủng và khẳng định tên lửa nổ từ cự ly gần đã tạo ra những mảnh nhỏ xuyên thủng thân máy bay. Nhiều khả năng quả tên lửa đã nổ ở mạn phải máy bay.

Đến nay, những lời cáo buộc vẫn bay qua lại tới tấp giữa Matxcơva và Kiev. Chính phủ Anh cũng vừa hòa giọng với Mỹ chỉ trích Nga đưa ra nhiều luận điểm mâu thuẫn để buộc tội Ukraine nhưng không có bằng chứng cụ thể. Hãng tin Mỹ AP mới tung bài của phóng viên có mặt ở đông Ukraine khẳng định nhiều người dân địa phương nhìn thấy một hệ thống tên lửa phòng không Buk ở khu vực quân ly khai kiểm soát, gần hiện trường máy bay rơi.

Dù vậy, một số chuyên gia thuộc IHS Jane’s bi quan dự đoán sẽ khó có thể tìm ra thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay dân dụng chở 298 người bởi hiện trường vụ án đã bị xáo trộn. Trong những vụ giết người thông thường, các thi thể và mảnh vỡ chỉ được dời đi sau khi nhân viên pháp y điều tra và chụp ảnh hiện trường.

Phải thay đổi cách đánh giá đường bay

Ngày 27-7, giám đốc thương mại Malaysia Airlines Hugh Dunleavy đã kêu gọi cải tổ toàn diện phương thức đánh giá sự an toàn của các đường bay sau thảm họa MH17. Viết trên báo Anh Sunday Telegraph, ông Dunleavy nhấn mạnh vụ MH17 có “tác động chưa từng thấy” đối với ngành hàng không thế giới. Ông cho rằng các hãng hàng không giờ không thể chỉ dựa vào hướng dẫn của cơ quan kiểm soát không lưu khi bay qua các vùng xung đột.

“Từ quá lâu rồi các hãng hàng không phải gánh trách nhiệm đưa ra quyết định về các tuyến đường bay an toàn trên các vùng xung đột. Chúng tôi không phải là các cơ quan tình báo. Chúng tôi chỉ có nghĩa vụ đưa đón hành khách và đảm bảo sự thoải mái dành cho họ - ông Dunleavy viết - Việc một máy bay dân dụng bị bắn rơi ở hành lang hàng không được đánh giá là an toàn là bằng chứng cho thấy chúng ta phải xác định lại thế nào là hành lang an toàn”.

Ông Dunleavy cho rằng cách tốt nhất là các hãng hàng không quốc tế, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phải nhóm họp, đánh giá lại các quy trình hiện tại và đưa ra các khuyến cáo, tiêu chuẩn mới về hành lang bay an toàn. ICAO cho biết ngày 29-7, các quan chức hàng không thế giới sẽ mở cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ rơi máy bay MH17 và tìm giải pháp ngăn chặn các nguy cơ tương tự.

>>> Lặng người trước bài phát biểu của Ngoại trưởng Hà Lan tại Liên hợp quốc

Theo Hiếu Trung

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên