MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan hệ Trung - Ấn và "ẩn số" Modi

18-06-2014 - 19:13 PM | Tài chính quốc tế

Liệu tân Thủ tướng Ấn Độ sẽ trở thành “Abe của Nhật Bản” mà sẽ trở thành Nixon – vị Tổng thống Mỹ đã vượt qua sự thiếu tin tưởng để thay đổi hoàn toàn mối quan hệ Mỹ Trung?

Các nhà phân tích chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh nhìn nhận tân Thủ tướng của Ấn Độ Narendra Modi là một “phiên bản” khác của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Hai người đều là những lãnh đạo được bầu lên từ lời hứa khôi phục lại tăng trưởng kinh tế và tự hào dân tộc. Cả hai đều cần phải cứng rắn trong những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức đến nay, ông Abe đã tỏ rõ thái độ. Bởi vậy, có vẻ như chiến thắng của ông Modi sẽ là yếu tố tiêu cực đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số người lại có nhận định trái ngược. Họ nhìn vào cuộc gặp giữa ông Modi và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Trong bài viết đăng trên Thời báo Hoàn cầu, Liu Zongyi (đến từ Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải) dự báo rằng ông Modi sẽ không trở thành “Abe của Nhật Bản” mà sẽ trở thành Nixon – vị Tổng thống Mỹ đã vượt qua sự thiếu tin tưởng để thay đổi hoàn toàn mối quan hệ Mỹ Trung. 

Trong bài phát biểu tranh cử ở bang Arunachal Pradesh thuộc miền Đông Bắc, ông Modi chứng tỏ mình là một người yêu nước: “Tôi thề rằng tôi sẽ bảo vệ đất nước Ấn Độ”. Câu nói này càng có ý nghĩa hơn khi Arunachal Pradesh vẫn đang là vùng đất tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. 

Tháng 10 năm ngoái, ông Modi cũng nhắc tới “Sự tự lừa dối” (Self-Deception), cuốn sách được viết bởi Arun Shourie. Trong cuốn sách này, tác giả chỉ trích phản ứng mờ nhạt của Ấn Độ trước hành động xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc, kêu gọi Ấn Độ “xây dựng mạng lưới đồng minh” để chống lại Trung Quốc. 

Các lãnh đạo Trung Quốc cũng không được mời tới dự lễ nhậm chức của ông Modi hồi tháng trước. Tuy nhiên, ngồi ở hàng ghế đầu là Lobsang Sangay – cựu lãnh đạo của nhóm lưu vong Tây Tạng. Đây là nhóm trung thành với Dalai Lama. Sự xuất hiện của nhân vật này là tín hiệu cho thấy chính phủ mới của Ấn Độ có thể sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. 

Dường như để khẳng định có cùng hệ tư tưởng với ông Abe, Thủ tướng Modi vừa mới thông báo ông sẽ tới Tokyo trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên ghế Thủ tướng. Ông Abe cũng gợi ý rằng Nhật Bản cần đóng vai trò quan trọng hơn đối với an ninh khu vực, đưa ra những chỉ dấu về một mặt trận chống Trung Quốc. Trên tài khoản Twitter cá nhân, ông chỉ theo dõi duy nhất 3 người: vợ, một cây bút bảo thủ và cũng là chính trị gia. Người còn lại là ông Modi. 

Trong chuyến thăm tới Ấn Độ vừa qua, Ngoại trưởng Vương khẳng định rằng ông Modi sẽ không dễ dàng quyết định đẩy Ấn Độ vào thế đối lập gay gắt với Trung Quốc. “Tôi muốn thúc đẩy quan hệ bạn bè với Trung Quốc”, ông nói. Rốt cuộc thì mục tiêu hàng đầu của ông sẽ là hồi sinh tăng trưởng. Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Ông Modi cũng đã tới thăm Trung Quốc một vài lần trong quá khứ. 

Dù thương mại giữa hai nước đã giảm nhẹ trong năm 2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn nói về những tiềm năng hợp tác về kinh tế. Trung Quốc muốn nói về việc kết hợp giữa hoạt động sản xuất của Trung Quốc với thế mạnh về dịch vụ của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Modi nhận ra rằng, để tạo ra tăng trưởng và việc làm, Ấn Độ phải cạnh tranh với Trung Quốc trong hoạt động sản xuất. 

Cạnh tranh về kinh tế không đồng nghĩa với hợp tác chính trị sẽ bị suy giảm hay ông Modi sẽ trở thành “Nixon của Ấn Độ”. Ông Modi có hai lợi thế so với người tiền nhiệm Manmohan Singh khi đối đầu với Trung Quốc. Thứ nhất, ông có danh tiếng của một người bảo vệ cho quyền lợi của Ấn Độ. Ông Singh luôn bị chỉ trích là một lãnh đạo nhu nhược. Thứ hai, đảng Bharatiya Janata Party của ông Modi cũng có lợi thế hơn so với đảng cầm quyền những năm 1960.

Kể từ năm 1988, khi hai nước đồng ý cải thiện quan hệ, Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng tiến gần hơn đến giải pháp cho biên giới đầy tranh chấp có độ dài hơn 3.000 km. Có hai chướng ngại vật lớn đang ngăn cản Trung Quốc và Ấn Độ tiến đến thỏa thuận. Thứ nhất, Trung Quốc không hài lòng với những gì họ có. Trong số 14 vùng đang tranh chấp, vùng đặc biệt nhất là Tawang (thuộc Arunachal Pradesh). Đây cũng là nơi mà cuộc chiến năm 1962 khởi nguồn, là nơi sinh ra Dalai Lama thứ 6 trong thế kỷ 17. 

Chướng ngại vật thứ hai là ý kiến của công chúng. Cả hai nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải thuyết phục người dân chấp nhận nhượng bộ và đánh mất một phần đất đai. Không có Thủ tướng Ấn Độ nào có thể làm ngơ trước lời kêu gọi bảo vệ lãnh thổ bằng bất cứ giá nào.


Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên